Khánh Hòa: Nghề biển gặp khó vì thiếu hụt lao động
VOV.VN - Nghề biển nhiều rủi ro, thu nhập bấp bênh nên ngày càng nhiều ngư dân bỏ biển lên bờ tìm việc mới. Lao động nghề cá ngày thiếu hụt.
Mấy tháng nay, giá dầu giảm, các chủ tàu cá vơi đi phần nào nỗi lo chi phí chuyến biển. Thế nhưng, nhiều tàu cá vẫn đậu san sát tại cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, không ra khơi. Không ít tàu đã nạp đầy dầu, đá cây, lương thực, thực phẩm đã đủ nhưng chưa thể rời cảng bởi còn thiếu bạn chài đi biển.
Tại tỉnh Khánh Hòa, mỗi chuyến biển hành nghề câu cá ngừ đại dương, lưới cản... cần từ 8-10 ngư dân. Nếu không đủ số lao động này thì tàu không thể ra khơi đánh bắt. Muốn có lao động, chủ tàu phải chấp nhận trả công đánh bắt cho bạn đi biển với mức 7- 8 triệu đồng/chuyến biển, dù chưa biết chuyến biển đó có hiệu quả hay không. Nhiều chủ tàu đành phải để tàu nằm bờ bởi chi phí nhân công cao. Ông Nguyễn Văn Trung, chủ tàu ở phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang cho biết, một số ít phải chấp nhận gánh thêm chi phí thuê bạn chài nhưng dễ gặp rủi ro về kinh tế khi ra khơi.
Nhiều tàu cá tại cảng cá Hòn Rớ gặp khó ra khơi vì thiếu bạn đi biển |
Xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang là địa phương có nghề cá phát triển tại Nam Trung bộ. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nghề biển vốn đã bấp bênh lại càng khó khăn hơn. Sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương đạt thấp. Giá cá cũng giảm đến 30% nên các chủ tàu liên tục thua lỗ trong các chuyến biển. Mức thu nhập của lao động đi biển cũng giảm dần từ 6- 8 triệu đồng/chuyến, nay chỉ còn một nửa. Số lượng ngư dân bỏ nghề lên bờ tìm kiếm việc làm khác ngày càng tăng. Một số khác, thay vì phải ăn chia tỷ lệ khai thác như truyền thống lâu nay đã chuyển sang yêu cầu chủ tàu phải tạm ứng hoặc trả công.
Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng cho biết, thiếu bạn đi biển đang là nỗi lo của các chủ tàu trong nghiệp đoàn. Trước khi ra khơi, phải cho bạn tàu tạm ứng tiền công, nếu tàu đánh bắt không hiệu quả thì coi như chủ tàu mất luôn số tiền đó.
Nhiều lao động đi biển đã bỏ nghề để lên bờ làm nghề khác. |
"Trước đây làm ăn chia nhưng lao động biển có đủ. Nhưng nay, lao động càng ngày càng khan hiếm. Mỗi lần đi tối thiểu phải 5 người, chủ tàu phải bỏ ra mấy chục triệu, phải ứng trước 5 triệu. Nếu vô có thì chia nhau, không có thì bỏ đi mất, ông chủ phải mất 5 triệu tạm ứng đó", ông Mai Thành Phúc nói.
Tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 10.000 tàu cá lớn, nhỏ. Vì thế, nhu cầu lao động đi biển có tay nghề rất lớn. Mấy năm gần đây, đánh bắt thủy sản gặp khó, thu nhập bấp bênh nên nghề biển không thu hút được lực lượng lao động mới. Số người làm nghề biển lâu năm cũng đang dần bỏ nghề. Thừa tàu, thiếu lao động đi biển đã trở thành thực trạng chung ở nhiều làng chài.
Đánh bắt không hiệu quả, thu nhập bấp bênh nên nghề biển không thu hút được lao động. |
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cần giảm dần số lượng tàu đánh bắt ven bờ, không cho phát triển thêm số tàu đánh bắt xa bờ, tăng cường ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập, thu hút lao động đi biển. Theo ông Võ Khắc Én, trước mắt, tỉnh Khánh Hòa chỉ cấp phép hoạt động cho 768 tàu đánh bắt xa bờ, đồng thời không cấp phép đóng thêm tàu mới.
"Bây giờ đồng tiền thu nhập đi biển của người dân đi biển rất bấp bênh. Tàu càng ngày mình càng phải giảm dần. Về lâu dài, phải hỗ trợ cho con em ngư dân học hành về ngành khai thác, khi có kiến thức về khai thác, đi khai thác mới có hiệu quả. Được hỗ trợ như thế, người ta tập trung cho nghề nghiệp của mình hơn. Hết mùa vụ đi biển, hỗ trợ trong lúc ở nhà, có như vậy mới thu hút được”, ông Võ Khắc Én cho biết./.