Khánh Hòa phát triển kinh tế biển bền vững gắn với sinh kế của cư dân
VOV.VN - Hai năm nay, khu vực nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè của ngư dân trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh đã xuất hiện những lồng nhựa hiện đại như của các doanh nghiệp nước ngoài.
Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định phát triển bền vững kinh tế biển, đột phá tại các vùng biển. Trong quá trình đó, địa phương phải chú ý phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên biển.
Hai năm nay, khu vực nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè của ngư dân trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh đã xuất hiện những lồng nhựa hiện đại như của các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều năm qua, ngư dân Khánh Hòa chỉ quen nuôi cá bớp, tôm hùm trên biển bằng các lồng gỗ làm nổi bằng việc gắn thùng phuy cũ. Loại lồng bè này không chỉ tốn gỗ rừng, mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường mà còn nhiều rủi ro trong gió, bão.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, ngư dân ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh cho biết, trận bão số 12 cuối năm 2017 gia đình ông mất trắng 250 lồng nuôi, thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Trong khi đó, lồng nhựa của các doanh nghiệp nước ngoài gần đó vẫn an toàn. Từ đó, ông đã mạnh dạn đầu tư lồng nhựa, tỷ lệ cá sống đạt khoảng 80%, cao hơn hẳn so với nuôi lồng bè bằng gỗ truyền thống.
“Lồng HDPE đảm bảo hơn lồng gỗ nhiều lắm, chịu được bão tố rất tốt. Kinh nghiệm của tôi vào năm 2017, có các dự án lồng HDPE đem về đây nuôi rất an toàn, còn lồng gỗ thì mất trắng. Từ đó, tôi rút kinh nghiệm, đầu tư vào các lồng này để làm"- ông Hòa chia sẻ.
Hiện đại hóa việc nuôi trồng thủy sản nói riêng, nghề cá nói chung là giải pháp để phát triển bền vững. Tuy vậy, ngư dân đang đối mặt với hàng loạt vấn đề từ vốn, giống, công nghệ, quản trị. Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị xác định, tỉnh Khánh Hòa phát triển kinh tế biển theo hướng: nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao thân thiện với môi trường.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tổng cục Thủy sản khuyến nghị tỉnh cần xác định rõ ràng, có cơ cấu hợp lý giữa các lĩnh vực: du lịch, công nghiệp, thủy sản…Các vùng nuôi cần kết hợp các đối tượng khác nhau để tăng giá trị, tận dụng chuỗi thức ăn, giảm phát thải, đảm bảo môi trường.
“Phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh trong quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cùng với các chuyên gia để đánh giá tiềm năng, lợi thế cho các loại hình sản xuất khác nhau. Đâu là công nghiệp, đâu là nông nghiệp, đâu là thủy sản, đâu là du lịch… để hài hòa trong bối cảnh kinh tế chung của tỉnh, rất là quan trọng. Cần được ưu tiên bàn bạc kỹ lưỡng để chúng ta có một kế hoạch phát triển dài, bền vững" - ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xác định tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng- an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ. Thời gian tới, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ số trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, gắn liền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biển của ngư dân trong quá trình khai thác trên các vùng biển.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, tỉnh sẽ xây dựng Đề án nuôi biển công nghệ cao và đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư trên lĩnh vực nuôi biển công nghệ cao, đảm bảo sinh kế của hàng vạn ngư dân ven biển.
“Nhờ công nghệ và quản trị kinh doanh, trước mắt là công nghệ. Quá trình phát triển tới nếu chúng ta không giải quyết được việc này sẽ gây xung đột cho phát triển. Người dân từ lồng bè truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, phải cần những cơ chế, chính sách đặc thù về miễn giảm thuế, tạo điều kiện về tín dụng. Việc kết hợp giữa doanh nghiệp và người dân. Đồng thời có những cơ chế, chính sách để nuôi biển xa bờ, đây là góp phần để bảo vệ chủ quyền biển, đảo nữa" - ông Nguyễn Hải Ninh nêu rõ./.