Khánh Hòa xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế trên biển

VOV.VN - Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.

Ông Mai Thành Phúc, ở làng biển Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có hơn 40 năm đi biển cho biết, trước đây, mỗi lần ra vùng biển này, ngư dân còn ái ngại vì sợ gió bão, xảy ra sự cố tàu cá, ốm đau, tai nạn đột xuất. Vì vậy, mỗi chuyến biển dài nhất cũng đi từ 18-20 ngày là phải quay về đất liền vì hết nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm. Mấy năm gần đây, khi có các âu tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại huyện đảo Trường Sa, ngư dân rất thuận lợi khi hành nghề trên biển dài ngày.

Theo ngư dân Mai Thành Phúc, bây giờ tàu hết nhiên liệu ghé vào đảo mua xăng dầu giá cũng như trên đất liền: “Ráng đánh bắt thêm 5-10 ngày nữa thì mình vô đảo mua dầu rồi ra đánh tiếp, đưa số tài khoản rồi chuyển qua. Nước ngọt thì thoải mái. Trước đây, đi 1 chuyến biển 20 ngày, bữa nay có khi chuyến biển đến 40 ngày, đúng trăng, sang qua tàu cho các bạn chạy vô đánh, mình ghé vô đảo bơm dầu, lấy đá, tiếp tục bám biển”.

Huyện đảo Trường Sa đang có 4 âu tàu gồm: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn và Đá Tây. Các âu tàu đủ sức cho các tàu trọng tải từ 1.000 - 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão và thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật. Ngoài ra, trung tâm dịch vụ hậu cần tại đảo Đá Tây tổ chức được nhiều đội tàu vận chuyển nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước ngọt đến các đảo cung ứng cho ngư dân. Với những hoạt động cung ứng nước ngọt, khám chữa bệnh, cứu hộ cứu nạn, huyện đảo thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển. Mới đây nhất, để ứng phó với bão số 4, có 152 tàu cá với hơn 1.500 ngư dân vào tránh trú tại quần đảo Trường Sa.

Ông Lương Xuân Giáp, Chính ủy Đoàn Trường Sa cho biết, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa sẽ nghiên cứu đầu tư nhiều hơn cho huyện đảo, như nuôi trồng hải sản có giá trị kinh tế cao.

“Trước mắt, chúng tôi tập trung quán triệt cho mọi người thấy rõ được trách nhiệm lớn lao của mình về xây dựng huyện đảo theo mục tiêu của Nghị quyết 09. Theo đó, tiếp tục triển khai xây dựng huyện đảo Trường Sa, hỗ trợ giúp đỡ các lực lượng phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, giữ vững thế trận. Đồng thời, hỗ trợ ngư dân chúng ta vươn khơi, bám biển”, ông Lương Xuân Giáp cho biết thêm.

Việc định hướng xây dựng, phát triển huyện Trường Sa thành “Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước” thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn mới của Đảng và Nhà nước ta. PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định, với vị thế địa chiến lược của huyện đảo Trường Sa, thực hiện mục tiêu này không chỉ đem lại lợi ích trực tiếp cho nhân dân huyện đảo Trường Sa mà còn góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Huyện đảo Trường Sa và vùng biển bao quanh có các quần thể rạn san hô rất đẹp với nguồn lợi thủy sản giàu có và đa dạng. Đó là tiền đề cho phát triển các ngành, nghề kinh tế biển dựa vào bảo tồn, như: khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển, năng lượng sạch, du lịch. Trước mắt, ưu tiên phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ở huyện Trường Sa để đạt được “mục tiêu kép”, trong đó cần gắn công trình dân sinh với yêu cầu phòng thủ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Theo PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, với trình độ kỹ thuật hiện nay, nếu biết tổ chức tốt dịch vụ hậu cần, liên kết theo chuỗi thì có thể tổ chức hiệu quả việc nuôi trồng, khai thác thủy sản tại quần đảo Trường Sa.

“Đối với Trường Sa, có thể phát triển ở mức độ sơ chế, tăng cường giải pháp về bảo quản sau thu hoạch để các sản phẩm về đất liền bảo đảm được chất lượng. Kể cả nuôi cũng như khai thác, hậu cần kết nối giữa bờ và đảo để tăng chất lượng cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm mình làm ra từ huyện đảo xa bờ như vậy. Chuỗi cung ứng duy trì một cách ổn định, nhịp nhàng thì hoạt động sản xuất mới thành công”, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi chỉ rõ.

Vừa qua, Nghị quyết của Quốc hội cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác về phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa. Đây là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý. Chương trình hành động của Tỉnh ủy Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết 09/2022 cũng xác định, việc nghiên cứu tổ chức các hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch, biển, đảo, phát triển ngư nghiệp để xây dựng quần đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, vững về kinh tế, mạnh về quân sự, là khu vực phòng thủ vững chắc góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh xây dựng Quỹ nghề cá, đồng thời tạo điều kiện cho ngư dân nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, làm giàu từ biển: “Vận động ngư dân, đồng bào, chiến sỹ ở huyện đảo Trường Sa tiếp tục bám biển để phát triển sản xuất. Đây là khu vực giàu tiềm năng về biển, Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đang tập trung mọi nguồn lực khai thác có hiệu quả nguồn lợi từ biển, đại dương và giữ được chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên