Khát vọng làm giàu trên những cánh đồng bỏ hoang
VOV.VN - Với mô hình sản xuất lúa mới, Nông trại Cờ Đỏ của chàng trai Lương Văn Trường (Nam Định) đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Sản xuất lúa sinh thái, sử dụng men vi sinh cải tạo đất, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, Nông trại Cờ Đỏ của chàng trai Lương Văn Trường (SN 1989, tại Nghĩa Trung, Nghĩa Hưng, Nam Định) đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Nhiều khách hàng quay lại mua sản phẩm
Khác với các bạn cùng lứa tuổi, Lương Văn Trường có đam mê với nghề nông ngay từ khi còn học cấp 3. Lúc ấy Trường từng có ý nghĩ không học đại học, mà học trường nghề để đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp.
Tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, khoa Nông lâm (năm 2011), Lương Văn Trường thử thách kiến thức của mình với 4 năm làm Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) theo Dự án thí điểm đưa 600 trí thức trẻ, có trình độ đại học về làm Phó chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn tại 64 huyện nghèo trên địa bàn cả nước của Bộ Nội vụ.
Lương Văn Trường bị thu hút bởi cách làm nông nghiệp Mansannobu Fukouka, Nhật Bản. |
Ấp ủ đam mê, nhưng đến tận cuối 2017, khi nhận thấy quê hương Nam Định có nhiều nhà máy được xây dựng thu hút hàng nghìn công nhân, người dân bỏ ruộng đi làm công nhân thu nhập cao hơn nhiều lần, Trường mới có quyết định táo bạo về quê gom diện tích đất đủ lớn để trồng lúa.
Không tìm được diện tích đất đủ lớn như mong muốn tại quê ở xã Nghĩa Trung, Trường phải đến tận xã Tân Thịnh và huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, cách nhà hơn 20 cây số để thuê đất với diện tích 7ha. Sau một năm, Trường lại tiếp tục tìm và gom được 12ha tại xã Đồng Sơn liền kề xã Tân Thịnh.
Nông trại Cờ đỏ của Trường trồng lúa theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp bao tiêu cần sản phẩm gì nông trại trồng sản phẩm đó. Vụ vừa qua, diện tích 7ha được trồng giống lúa Lộc Trời 183 (cùng dòng Bắc thơm), và diện tích 7ha được trồng giống Nếp Nhung. Diện tích 7ha Trường canh tác theo hướng sinh thái, không sử dụng phân bón và thuốc sâu và sau khi thu hoạch lấy hạt, thân cây sử dụng làm phân bón luôn.
Phần đất trước khi gieo cấy Trường sử dụng men vi sinh để cải tạo nhằm cân bằng hệ sinh thái. Chi phí men vi sinh 60.000đ/sào ở mùa đầu tiên, và giảm lượng dùng ở mùa thứ 2 với chi phí chỉ còn 30.000đ/sào.
Cầm nắm lúa vừa nhổ để kiểm tra rễ phát triển đến đâu ném lại ruộng, Trường chia sẻ: “Lúa vô cùng dễ sống, nếu người trồng chăm nó quá là giết nó. Dinh dưỡng từ đất đã đủ để cây lúa phát triển khỏe mạnh. Và trong tự nhiên có loại sâu bệnh nào thì cũng có loại vi sinh đối kháng với nó”.
Điều khác biệt dễ nhận thấy khi thăm dải ruộng canh tác theo hướng sinh thái của Trường là lúa còi cọc hơn lúa được trồng trên những mảnh ruộng bên cạnh và cỏ mọc nhiều.
Trường chia sẻ: “Bố mẹ tôi mà nhìn thế này chắc sẽ khó chấp nhận, nhưng tôi thì quen rồi. Trông thế thôi nhưng không ảnh hưởng đến năng suất. Cỏ dễ chết lắm, cứ ngập nước là chết, nhưng mùa này xuống giống gấp nên không đủ thời gian ngâm nước”.
Lương Văn Trường
Vụ vừa qua năng suất lúa tại đây đạt 60kg/sào. Thóc khô Lộc Trời 183 được bán với giá 13.000 đồng/kg, và gạo thành phẩm Trường khuyến cáo doanh nghiệp bao tiêu bán giá 30.000 đồng/kg. Sản phẩm khi ra thị trường được kiểm tra 2 lần, do đơn vị chức năng kiểm định làm. Lần một khi lúa được 45 ngày, chủ yếu phân tích đất và lá, lần 2 là khi lúa cho thu hoạch, đảm bảo yêu cầu không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng. Diện tích 12ha, theo đơn đặt hàng Trường canh tác theo hướng thông thường, cho năng suất 150 kg/sào. Giá bán thóc khô Nếp Nhung là 11.500 đồng/kg, giá gạo là 25.000 đồng/kg
Anh Nguyễn Trọng Mạnh, chủ doanh nghiệp tư nhân Trâm Tiến, Phan Đình Phùng, Nam Định cho biết: “Đây là HTX có phương thức canh tác khác biệt so với thị trường là theo hướng sinh thái. Sản phẩm Lộc Trời 183 canh tác theo hướng sinh thái của Trường có thế mạnh hơn hẳn về độ dai, và săn chắc của cơm cũng như hương thơm. Hiện tại, các sản phẩm đó khi tôi bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch, khách hàng quay lại mua sản phẩm này tương đối nhiều”.
Tìm kiếm hợp tác đầu tư
Ít ai biết Lương Văn Trường khởi nghiệp với vốn không đồng. Trường thuê lại đất từ người dân bỏ ruộng với giá 250.000 đồng/sào/năm, với cam kết trả vào tháng 6 hàng năm, tức khi lúa thu hoạch xong vụ đầu của năm.
Ngoài ra, Trường kêu gọi và nhận được đầu tư của một số bạn bè với lãi 20% tổng số tiền đầu tư/năm, cam kết trả từ năm thứ 3 trở đi.
Chị Nguyễn Hà ở Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định là một trong những người góp vốn cho Nông trại Cờ Đỏ, chia sẻ: “Trường là một người rất nhiệt huyết, đúng tinh thần của một startup. Khi Trường kêu gọi đầu tư, tôi tin tưởng góp vốn với mục đích đầu tiên là có gạo sạch để ăn”.
Theo chia sẻ của Trường, đầu tư cho mô hình chi phí làm lại hệ thống tưới tiêu lên tới 200 triệu đồng và máy đa chức năng gieo cấy, phun nước… vào khoảng 150 triệu đồng. Điều đặc biệt là canh tác theo mô hình của Trường chi phí thuê nhân công rất ít, và người lao động không phải “lấm lem” bùn đất. Với tổng diện tích 19ha một vụ Trường chỉ thuê 7 công lao động chân tay với giá 200.000 đồng/công, 14 công sử dụng máy móc với giá 300.000 đồng/công.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà Trường gặp phải là các diện tích đất bỏ hoang thường là những mảnh ruộng xấu, khó canh tác, thủy lợi kém. Thêm nữa, nghề làm nông phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Vụ thứ 2 của năm đầu tiên canh tác (năm 2018), đúng mùa bão lớn, do chưa thông thuộc địa hình, hệ thống thủy lợi, cả diện tích 7ha của Trường chìm trong nước lớn.
Trường chia sẻ: “Cả dải ruộng là khoảng nước, mênh mông trắng xóa. Xót xa lắm, chả biết kêu ai. Nhưng đó cũng là kinh nghiệm để tôi biết cách điều chỉnh hệ thống thủy lợi, và kinh nghiệm xuống giống sớm hơn để tránh bão”.
Cảm mến bản lĩnh của chàng thanh niên trẻ Lương Văn Trường, ông Trần Văn Viển, Bí thư Đảng bộ HTX Tân Thịnh, Nam Trực, Nam Định cho biết: “Trường là thanh niên năng động và có ý chí. Đây là ý tưởng tốt, bởi lẽ càng ngày tình trạng bỏ ruộng càng tăng”.
Theo chia sẻ của Trường, vụ vừa rồi mô hình của cậu đã hòa vốn. Dự tính vụ sau sẽ có lãi, vào khoảng 500.000 đồng/sào./.
Nhiều mô hình kinh tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc có cấp độ toàn quốc