Khi người trẻ quay về với nông nghiệp
VOV.VN - Trong khoảng 5 năm trở lại đây, có một “làn sóng ngược”, nhiều người trẻ đã chọn quay về khởi nghiệp với nông nghiệp và đã có nhiều mô hình thành công.
Nghề nông vốn rất vất vả, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vì thế, trong suốt một thời gian dài, nhiều người quan niệm phải cho con học hành, thoát ly khỏi ruộng đồng thì mới có thể làm giàu. Thế nhưng, trong khoảng vài năm trở lại đây, có rất nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp được đánh giá cao và giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp. Một trong số đó là mô hình sản xuất bột rau sấy lạnh thương hiệu Quảng Thanh của Nguyễn Ngọc Hương.
Mặc dù tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM song cô gái sinh năm 1989 này lại quyết định quay về với nông nghiệp và loại cây chủ lực mà cô chọn là rau má – một cây trồng vốn không có giá trị cao. Thế nhưng, Hương tin rằng, bằng cách áp dụng công nghệ mới, cô sẽ nâng được giá trị cho cây rau này. Nghĩ là làm, cô cử nhân từ bỏ công việc bàn giấy trong văn phòng để về Củ Chi thuê đất, thuê người trồng rau má và bắt tay vào nghiên cứu, chế biến bột rau.
“Là nữ mà lại dấn thân trong lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực rất là nhiều rủi ro, mà mọi người vẫn thường nói là “sáng rau chiều rác”, mình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi gây dựng trang trại rồi phải nghiên cứu, sáng tạo phương pháp, cách làm để tạo ra sản phẩm bột rau mà mọi người có thể dùng thay thế hoàn toàn rau tươi”, Nguyễn Ngọc Hương chia sẻ.
Hương đã tìm hiểu về việc sử dụng các chế phẩm sinh học, về tiêu chuẩn VietGAP để thực hiện tại vườn rau má nguyên liệu. Hương cùng cộng sự còn nghiên cứu để hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến bột rau sấy lạnh nhằm giữ màu sắc và hương vị tự nhiên của rau. Sau khi thành công với bột rau má, Hương lại tiếp tục cho ra đời thêm các loại bột rau khác như bột diếp cá, bột tía tô, bột chùm ngây... Hiện nay, các sản phẩm bột rau mang thương hiệu Quảng Thanh đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm trong nước. Đặc biệt, trong năm 2020, bất chấp khó khăn do Covid-19, Hương vẫn có những lô hàng lớn xuất sang Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Ấn Độ…
Không chỉ nâng giá trị cho nông sản Việt, Hương đã tạo việc làm cho hàng chục công nhân và nông dân địa phương. Hơn thế nữa, cô đã làm thay đổi suy nghĩ của những nông dân truyền thống như ông Nguyễn Văn Út về việc làm nông nghiệp sạch.
“Tôi cũng từng làm nông nghiệp, trước đây thường sử dụng thuốc nhiều. Về đây làm không có thuốc, cho ra sản phẩm tốt để đưa đến người tiêu dùng, sức khỏe tôi cũng tốt nên tôi thích ở lại làm với công ty này”, ông Nguyễn Văn Út nói.
Cũng khởi nghiệp bằng nông nghiệp, Nông Trại Xanh của một nhóm bạn trẻ 9X ở Quận 12, TPHCM cũng được nhiều người biết đến. Từ thực tế nhiều gia đình ở thành thị mong muốn có thể tự trồng rau sạch để ăn nhưng lại không có đất trồng, nhóm bạn trẻ này đã nghiên cứu và cho ra đời mô hình trồng rau khí canh Ero-farm. Theo đó, rau sẽ được trồng trong các cột hình trụ nên các gia đình thành thị có thể lắp đặt hệ thống ở ban công hay sân thượng, không cần diện tích lớn nhưng vẫn đủ rau ăn. Hiện nay, Nông Trại Xanh cung ứng ra thị trường 2 tấn rau sạch mỗi tháng và đã chuyển giao công nghệ này cho hơn 200 hộ gia đình ở TPHCM. Chàng kỹ sư lập trình Nguyễn Mạnh Tùng, một trong những thành viên của nông trại cảm thấy rất vui khi có thể ứng dụng kiến thức chuyên môn của mình vào lĩnh vực nông nghiệp như lên lịch tưới rau tự động, theo dõi sinh trưởng của rau bằng máy tính.
“Trước đây, mình không đi theo hướng nông nghiệp nhưng sau đó mình đã gặp được những anh chị rất tâm huyết với việc sáng tạo ra những sản phẩm về nông nghiệp công nghệ cao để mỗi người dân, mỗi gia đình đều có nguồn thực phẩm sạch ngay tại nhà, đảm bảo cho sức khỏe. Từ chỗ đó, mình quyết định là cùng chung tay phát triển và nhân rộng mô hình này”, Nguyễn Mạnh Tùng cho hay.
Nếu Nông Trại Xanh giải quyết bài toán không có đất cho nông nghiệp đô thị thì đội ngũ trẻ của Công ty MrVina lại chọn hướng đi là cung cấp sản phẩm và giải pháp nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa cho những nông dân ở khắp mọi vùng quê của Việt Nam. Với công nghệ của MrVina, người nông dân có thể quản lý vườn trồng, thực hiện việc tưới nước, bón phân thông qua máy móc và phần mềm, đồng thời khắc phục sự lệ thuộc nhiều vào các điều kiện tự nhiên như đất đai, thời tiết.
Anh Phạm Cao Kỳ, Giám đốc Công ty MrVina cho biết, anh và những nhân viên trong công ty tuổi đời còn trẻ và đều sinh ra, lớn lên ở nông thôn. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người nông dân nên ai cũng mong muốn có thể làm gì đó cho nông nghiệp bằng kiến thức của mình.
"Người dân Việt Nam đang rất mong muốn một bữa ăn an toàn từ vườn trồng đến bàn ăn nên chúng tôi đã lựa chọn đi theo con đường nông nghiệp dù biết rằng nó có rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đi làm và đi học để thu thập thêm kiến thức. Sau đó, bắt đầu quay lại phát triển vào năm 2013 khi có đủ nhân sự nghiên cứu cả về nông học, công nghệ sinh học, lập trình, thiết kế vi mạch và triển khai dự án”, anh Phạm Cao Kỳ cho biết thêm.
Bột rau Quảng Thanh, Nông Trại Xanh hay MrVina chỉ là 3 trong số những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp của các bạn trẻ liên tục ra đời trong thời gian gần đây. Kiến thức và nhiệt huyết là điều mà các bạn trẻ khởi nghiệp có sẵn. Tuy nhiên, điều mà họ rất cần đó là sự hỗ trợ về vốn và kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM cho biết, Trung tâm thường xuyên có các cuộc thi, các chương trình hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, trong đó có các mô hình khởi nghiệp bằng nông nghiệp công nghệ cao.
“Trong những năm qua, BSSC tiếp nhận rất nhiều mô hình nông nghiệp. Riêng quỹ cho vay của BSSC thì có khoảng hơn 20% là các dự án liên quan đến nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp là một trong những yếu tố làm thay đổi nền nông nghiệp và giúp tạo ra giá trị gia tăng rất nhiều cho nông nghiệp. Bây giờ có rất nhiều chương trình tài trợ dành cho các bạn làm trong nông nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Đây là cơ hội của các bạn”, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng nhận định.
Việc ngày càng có nhiều người trẻ quay về làm nông, mang theo kiến thức, công nghệ mới để giải quyết các vấn đề của nông nghiệp truyền thống đã khiến cho nhiều người thay đổi cách nghĩ về chọn nghề và khởi nghiệp của lớp trẻ hiện nay. Đặc biệt sự thành công của những mô hình này chính là hướng đi trong phát triển nông nghiệp bền vững./.