Khiến công ty lỗ khủng như ông Trịnh Xuân Thanh, nhiều sếp vẫn an toàn
VOV.VN - Mặc dù giống ông Trịnh Xuân Thanh, khiến công ty thua lỗ nặng, nhưng nhiều sếp lớn ngành dầu khí vẫn vững vàng với "ghế nóng", không bị xử lý...
“Thổi bay” hàng ngàn tỷ đồng của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến ông Trịnh Xuân Thanh bị xử lý. Và những sai phạm này của ông Thanh được mổ xẻ khá nhiều.
Như ông Trịnh Xuân Thanh, nhiều lãnh đạo ngành dầu khí khiến công ty thua lỗ nặng |
Trong khi đó, không ít lãnh đạo công ty ngành dầu khí giống ông Thanh, khiến công ty thua lỗ nặng nhưng vẫn chưa bị điều tra trách nhiệm. Một vài đơn vị thua lỗ triền miên có thể kể đến như Tổng công ty xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA), công ty cổ phần Đầu tư Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PSG), công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PXM),...
Thua lỗ triền miên
Có thời lọt vào danh sách cổ phiếu nóng trên sàn Hà Nội nhưng hiện tại, PVA của Tổng công ty xây lắp Dầu khí Nghệ An bị rớt giá thê thảm. Mặc dù có chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp nhưng chốt phiên giao dịch tuần qua, PVA chỉ dừng ở mức 500 đồng/CP, mức giá không đủ mua được 1 cọng hành ở các chợ cóc Hà Nội.
Giá PVA quá thấp khiến vốn hóa thị trường Tổng công ty xây lắp Dầu khí Nghệ An chỉ là 11 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn thực của công ty lên tới gần 211 tỷ đồng. Các con số này cho thấy hoạt động kinh doanh của Tổng công ty xây lắp Dầu khí Nghệ An thê thảm đến như thế nào.
PVA bị nhà đầu tư quay lưng khi có chuỗi 5 năm liên tiếp thua lỗ. Tổng số lỗ của công ty trong khoảng thời gian này lên tới 414 tỷ đồng. Trong đó, 2012 là năm tồi tệ nhất khi lợi nhuận sau thuế của công ty âm tới 174 tỷ đồng.
Sang quý 2/2016, công ty lại tiếp tục điệp khúc thua lỗ. Tuy nhiên, may mắn hơn, khoản lỗ này được hạn chế “chỉ còn” 3,8 tỷ đồng.
PSG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn có mức giá thấp hơn PVA. Thậm chí, PSG bi rơi vào quên lãng tới mức không phát sinh giao dịch trong nhiều phiên liên tiếp. Chốt phiên 5/8, PSG dừng ở mức 400 đồng/CP.
PSG khiến vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn chỉ còn 14 tỷ đồng trong khi giá trị theo vốn của công ty lên tới 350 tỷ đồng. Cũng giống như PVA, PSG bị ghẻ lạnh vì thua lỗ triền miên.
Tổng số lỗ trong 5 năm liên tiếp của PSG lên tới 581 tỷ đồng. Trong đó, 2012 là năm công ty bê bết nhất khi thua lỗ 252 tỷ đồng. Kể từ năm 2013, công ty rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Năm 2015, khoản âm này đạt 311 tỷ đồng.
Kể từ 15/7/2016 tới nay, cổ phiếu PXM của công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung không có bất cứ giao dịch nào. Vì vậy, giá PXM dừng ở mức 500 đồng/CP. PXM cũng có chuỗi 5 năm thua lỗ liên tiếp với số lỗ lên tới 387 tỷ đồng. Công ty âm vốn chủ sở hữu 232 tỷ đồng.
Lãnh đạo là ai?
Tại PXM, tình trạng thay tướng diễn ra liên tục. Tháng 7/2013, ông Trần Xuân Mô thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty để đảm nhận chức vụ Ủy viên Hội đồng quản trị. Người thay thế ông Mô là ông Đỗ Văn Cường.
Tuy nhiên, sau gần 3 năm là Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Cường không những không giúp PXM cải thiện tình hình mà chuỗi ngày thua lỗ của công ty vẫn kéo dài. Vì vậy, tới đầu năm 2016, ông Nguyễn Đình Phước lên thay thế ông Cường. Nhưng có vẻ ông Phước không “vô can” với những khoản lỗ khủng của PXM vì trong nhiều năm qua, ông Phước lần lượt nắm giữ các chức vụ Phó Giám đốc và Giám đốc công ty.
Có chuỗi ngày thua lỗ dài như PXM nhưng tình hình nhân sự cao cấp tại PVA lại khá “lặng sóng”. Khoản thua lỗ 414 tỷ đồng không đủ sức khiến ông Phan Hải Triều rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Bảng cũng vững vàng ở ghế Tổng giám đốc từ năm 2008 đến nay.
Được đôn lên chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2012, đến nay, ông Phan Chí Trung vẫn duy trì được chức vụ cao nhất của mình dù chưa năm nào ông mang về lợi nhuận cho công ty.
Có thể thấy, dù khiến công ty thua lỗ nặng, thậm chí âm vốn chủ sở hữu, không ít lãnh đạo vẫn vững vàng với "ghế nóng" của mình và không bị xử lý hay kiểm điểm trách nhiệm./.
Ông Trịnh Xuân Thanh để thua lỗ nghìn tỷ: Cần xét trách nhiệm hình sự