Khó xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu?
VOV.VN - Theo giới quan sát, lịch sử cho thấy “khơi mào” chiến tranh thương mại sẽ đem đến kết cục tồi tệ cho nước Mỹ.
Hơn một năm cầm quyền tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho tiến hành 102 biện pháp thương mại nhằm chống bán phá giá và trợ giá, nhiều gấp hai lần chính quyền tiền nhiệm Obama áp dụng trong cùng thời gian. Tuy nhiên, tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường Mỹ hôm 1/3 được cho là động thái mạnh mẽ nhất, có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu, khiến dư luận hết sức quan ngại.
Từ những cảnh báo…
Ngày 5/3 vừa qua, trong cuộc họp với đại diện phái đoàn các nước thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) diễn ra ở Geneva (Thụy Sỹ), Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang được chứng kiến một mối đe dọa thực sự và có nhiều khả năng xảy ra hơn của việc thắt chặt những biện pháp rào cản thương mại trên phạm vi toàn cầu... Chúng ta không thể bỏ qua nguy cơ này và tôi kêu gọi tất cả các bên cần suy xét về vấn đề một cách kỹ lưỡng. Một khi chúng ta đã trượt theo lối mòn này, thì sẽ rất khó để có thể đảo ngược phương hướng”.
Ông Azevedo được cho là người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ những nguyên tắc thương mại toàn cầu và chủ trương phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho tiến hành 102 biện pháp thương mại nhằm chống bán phá giá và trợ giá trong hơn 1 năm. |
Được biết, sau tuyên bố ngày 1/3 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một số quan chức của WTO và nhiều nhà ngoại giao đã tỏ rõ quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ. Hiện đã có đại diện 11 nước, trong đó có các nước thuộc EU tỏ ra quan ngại sâu sắc về những tuyên bố mà ông Trump đưa ra.
Theo đó, các nước Mexico, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil, Na Uy, Canada, Ấn Độ, Venezuela… cũng đã cảnh báo ông Trump về “hiệu ứng ngược” của các biện pháp này và kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ “suy nghĩ lại”. Tuy nhiên, đại diện Mỹ tham gia phiên họp của WTO ngày 5/3 lại tỏ ý lảng tránh trước vấn đề trọng tâm này.
... đến sự “kiên định” của Mỹ
Bất chấp phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Mỹ D. Trump nhấn mạnh rằng, ông sẽ “không thoái lui” khỏi kế hoạch áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu, dự kiến được thực thi trong thời gian tới. Phát biểu với báo giới (5/3), ông Trump nhấn mạnh, thế giới cần hiểu rằng nước Mỹ đã phải chịu nhiều thiệt thòi từ các hành vi gian lận thương mại của hầu hết các đối tác.
Ông Trump thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc và EU đã đưa ra các rào cản thương mại, mà ông cho là còn tồi tệ hơn cả các mức thuế. Ông Trump đồng thời bác bỏ những quan ngại cho rằng kế hoạch của ông sẽ gây ra cuộc chiến thương mại.
Tổng thống Trump một lần nữa tuyên bố sẽ không miễn thuế cho các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Mexico, Canada nếu như không có “một thỏa thuận thương mại công bằng”. Ông Trump giải thích kế hoạch áp thuế mới là nhằm vực dậy ngành chế tạo và lắp ráp trong nước của Mỹ. Chính sách điều chỉnh thuế này được dự báo sẽ phương hại đến một số nước xuất khẩu thép hàng đầu sang thị trường Mỹ như, Canada, Brazil, Hàn Quốc trong đó Canada, quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất tại thị trường Mỹ, sẽ chịu thiệt hại lớn nhất.
Thuế thép và nhôm có thể tạo ra một cuộc chiến thương mại. |
Trước đó, ngày 27/2, Bộ Thương mại Mỹ đã bố quyết định áp mức thuế cao, lên đến 106,09% đối với lá nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, với lý do mặt hàng này được Bắc Kinh trợ cấp dẫn tới cạnh tranh không công bằng, động thái được nhiều nhà quan sát coi là những “phát súng” đầu tiên khơi mào “chiến tranh thương mại”.
Không thể bất chấp lợi ích?
Ngay trong nội bộ nước Mỹ, Chủ tịch Hạ viện, ông Paul Ryan bày tỏ “quan ngại sâu sắc” rằng, chủ trương này sẽ gây ra cuộc chiến thương mại, đồng thời hối thúc Nhà Trắng từ bỏ ý định này. Lãnh đạo Ủy ban Tài chính và thuế Hạ viện Mỹ đã soạn thảo một bức thư để trình lên Tổng thống Trump cũng với nội dung quan ngại nêu trên.
Ngày 6/3, Chính phủ Brazil đã đưa ý kiến lên WTO, phản đối kế hoạch của Mỹ tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, đồng thời kêu gọi Nhà Trắng xem xét lại quyết định này. Bộ Ngoại giao Brazil khẳng định WTO đang phải “đối mặt với các thách thức nghiêm trọng. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại chính là trọng tâm của các thách thức nói trên. Theo Chính phủ Brazil, quyết định của Mỹ “có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và không có lợi cho bất cứ nước nào”.
Còn Trung Quốc đã lập tức cử cố vấn kinh tế hàng đầu Lưu Hạc tới Mỹ (27/2 đến 2/3). Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Mỹ trên thế giới. Cuộc đối thoại giữa ông Lưu Hạc với các nhà hoạch định chính sách kinh tế và cố vẫn Mỹ được kỳ vọng sẽ giảm bớt sự cứng rắn hơn về thương mại mà Washington sẽ áp đặt đối với Bắc Kinh.
Giới phân tích cho rằng, Tổng thống D. Trump, người luôn chủ trương bảo vệ các ngành sản xuất nội địa, đã tự xây dựng thương hiệu chính trị của mình bằng cách cam kết đưa ra các chính sách thương mại cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và đảm bảo một thỏa thuận tốt hơn cho người lao động Mỹ. Vì vậy, ít có khả năng Mỹ sẵn sàng lắng nghe Trung Quốc.
Theo giới quan sát, lịch sử cho thấy “khơi mào” chiến tranh thương mại sẽ đem đến kết cục tồi tệ cho nước Mỹ. Cách tiếp cận của Tổng thống Trump sẽ chỉ mang đến cho nước Mỹ “lợi bất cập hại”, khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rẳng, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu, rộng như hiện nay thì những hệ lụy tiêu cực sẽ còn nghiêm trọng hơn so với những cuộc chiến thương mại trước đây.
Vì thế, mặc dù nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu do Mỹ khởi xướng đang hiện hữu, nhưng câu trả lời “khó có thể xảy ra” là có cơ sở./.