Khởi đầu tích cực nhưng mong manh của kinh tế Trung Quốc
VOV.VN - Dù đã ghi nhận một số điểm sáng tích cực, nhưng sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn mong manh và cần nhiều cú hích hơn từ chính phủ, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong cả năm 2024.
Kinh tế Trung Quốc đã có bước khởi đầu khá thuận lợi khi tăng vượt dự báo trong quý 1, tạo tiền đề cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% mà quốc tế đánh giá là khá tham vọng trong năm 2024. Tuy nhiên, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này là 4,6%. Bất động sản và nhu cầu yếu là những áp lực mà nền kinh tế thứ hai thế giới đang phải đối mặt.
Ngành sản xuất - động lực tăng trưởng của Trung Quốc
Ba tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã đạt 29,63 nghìn tỷ NDT (4,09 nghìn tỷ USD), tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, phá các mốc “kỳ vọng” mà các định chế tài chính và thị trường đưa ra. Đánh giá về kết quả này, ông Thịnh Lai Vận, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho rằng, nền kinh tế nước này đã có một khởi đầu tốt trong quý đầu tiên, tạo nền tảng vững chắc để đạt được mục tiêu cho cả năm.
Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất là động lực chính và lực đỡ lớn nhất cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Trong quý I, ngành công nghiệp nước này tăng 6,1%, trong đó ngành sản xuất tăng 6,7%, sản xuất công nghệ cao tăng 7,5%, nhanh hơn 2,6 điểm phần trăm so với quý 4/2023. Điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc đang đẩy nhanh việc phát triển lực lượng sản xuất mới có chất lượng nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng sản xuất (PMI) của nước này cũng đã quay trở lại phạm vi mở rộng, tức ngưỡng trên 50 điểm trong tháng 3 sau 5 tháng giảm liên tục và đạt mức cao mới trong vòng 1 năm qua. Bên cạnh đó, đầu tư vào một số lĩnh vực của Trung Quốc cũng tăng đáng kể, như đầu tư cơ sở hạ tầng tăng 6,5%, đầu tư sản xuất tăng 9,9%, trong đó đầu tư vào sản xuất công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao tăng lần lượt 10,8% và 12,7%. Điều này cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, từ góc độ sản phẩm, sản xuất thiết bị in 3D, trạm sạc cho xe điện (EV) và linh kiện điện tử đều tăng vọt khoảng 40% so với một năm trước đó.
Những kết quả trên cho thấy nỗ lực thúc đẩy sản xuất của Trung Quốc đã bước đầu mang lại kết quả, đồng thời cũng cho thấy Bắc Kinh đang dần giảm sự phụ thuộc vào bất động sản và chuyển sang mô hình phát triển kinh tế dựa trên nâng cấp ngành sản xuất. Cùng với đó, xuất khẩu phục hồi cũng là yếu tố tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Trong quý 1, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng đáng kể so với mức 0,8% trong quý 4/2023. Xuất khẩu sản phẩm cơ khí, điện tử vốn chiếm gần 60% tổng kim ngạch, đã tăng 6,8% trong quý I, trong đó xuất khẩu ô tô tăng 21,7%.
Cần nhiều hơn các cú hích từ chính phủ
Các biện pháp hỗ trợ chính sách đang thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua những “cơn gió ngược”, là những khó khăn mà nền kinh tế gặp phải liên quan đến các yếu tố như địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 4,6% trong năm nay, khi công bố báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, dù nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Nếu sản xuất là động lực chính, bất động sản là lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế nước này. Bức tranh ngành địa ốc của Trung Quốc vẫn tiếp tục ảm đạm. Mặc dù tăng trưởng GDP vượt kỳ vọng của thị trường, nhưng đầu tư bất động sản vẫn giảm 9,5% trong quý đầu tiên - lớn hơn mức giảm 9% trong 2 tháng đầu năm. Diện tích sàn được bán trong quý này cũng giảm 19,4% so với một năm trước đó, trong khi số lượng xây dựng bất động sản mới giảm 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. IMF cảnh báo sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể chững lại nếu Bắc Kinh không có hành động quyết đoán để ngăn chặn cuộc khủng hoảng bất động sản.
Tiêu dùng yếu cũng là một bất cập khác của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của nước này tăng 4,7% trong quý I, chủ yếu được hỗ trợ bởi dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm xuống 3,1% trong tháng 3, từ mức 5,5% của hai tháng đầu năm, thể hiện niềm tin yếu của người tiêu dùng đối với triển vọng kinh tế.
Do vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo, nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn đang phải đối mặt với áp lực từ nhu cầu trong nước chưa đủ mạnh, lĩnh vực bất động sản chưa khởi sắc, dù các chỉ số chính cải thiện đáng kể. Đó là chưa kể, tình hình địa chính trị phức tạp, những căng thẳng mới ở Trung Đông, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa từ Panama và Biển Đỏ, nguy cơ hàng hóa dư thừa hay cạnh tranh Mỹ-Trung, cũng là những yếu tố bất lợi đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) công bố mới đây đều giảm, cũng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thoát ra khỏi bóng đen của giảm phát. Dù đang là động lực tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng của ngành công nghiệp Trung Quốc đã giảm từ 7% trong hai tháng đầu năm xuống 4,5% trong tháng 3, xuất khẩu thậm chí còn giảm 3,8%, cho thấy tăng trưởng sản xuất đã có dấu hiệu chững lại.
Có thể thấy, dù đã ghi nhận một số điểm sáng tích cực, nhưng sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn mong manh và cần nhiều cú hích hơn từ chính phủ, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong cả năm 2024.
Nỗ lực vực dậy lĩnh vực bất động sản
Lĩnh vực bất động sản từ lâu đã chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc và có mức tăng nhanh chóng trong khoảng 2 thập kỷ qua. Dù vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc đã và đang tăng cường các chính sách hỗ trợ nhằm vực dậy ngành này.
Nếu như trước đây các cơ quan chức năng quản lý rất chặt các biến động của giá nhà nhằm đề phòng những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, thì hiện nay một số thành phố đã chấp nhận hoặc khuyến khích các chủ đầu tư đưa ra mức chiết khấu cao để thúc đẩy doanh số bán hàng.
Chính quyền nhiều địa phương, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải cũng ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ người mua nhà như cắt giảm tỷ lệ trả trước và gia hạn thời gian trả nợ. Nhiều thành phố lớn đã tuyên bố nới lỏng các hạn chế về chính sách mua nhà. Ví dụ, Quảng Châu đã loại bỏ giới hạn mua nhà ở có diện tích lớn trên 120 m2. Thượng Hải cho biết sẽ giảm hạn chế mua nhà ở một số khu vực được chọn. Trong khi Bắc Kinh đã nới lỏng điều kiện mua nhà ở Thông Châu, một quận ở ngoại ô thành phố.
Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tham chiếu vay thế chấp cao kỷ lục để vực dậy thị trường bất động sản và hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, lãi suất tham chiếu cho khoản vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm đã giảm 25 điểm cơ bản xuống 3,95% từ mức 4,2%. Đây là mức cắt giảm lớn nhất kể từ khi lãi suất này được đưa ra vào năm 2019. Động thái này nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cấp nhiều tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Trung Quốc đã mở rộng hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển vào đầu năm nay bằng cách thiết lập cơ chế “danh sách trắng” trong đó các ngân hàng nhận được khuyến nghị từ chính quyền thành phố về các dự án được coi là ổn định về mặt tài chính và phù hợp để hỗ trợ thêm khoản vay.
Hồi tháng 1, nước này cũng ban hành thông báo về việc thiết lập cơ chế điều phối tài chính bất động sản đô thị, nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp bất động sản với các tổ chức tài chính, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về tài chính bất động sản, đáp ứng nhu cầu tài chính hợp pháp của các dự án, nhằm hỗ trợ cho sự tăng trưởng ổn định và lành mạnh của thị trường địa ốc.
Có dự báo cho rằng, các chính quyền địa phương Trung Quốc có thể sẽ triển khai nhiều biện pháp kích cầu hơn trong năm nay, bao gồm nới lỏng các quy định hạn chế mua nhà tại các thành phố hạng nhất, cũng như tăng cường các khoản trợ cấp cho cư dân ở những thành phố cấp thấp hơn.
Trong báo cáo công tác chính phủ tại kỳ họp Quốc hội đầu tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường từng cam kết sẽ bình ổn lĩnh vực bất động sản bằng các biện pháp có mục tiêu, đồng thời khai thông nguồn vốn cho các dự án “hợp lý”.