Nông dân học hết lớp 7 bán máy nông nghiệp đi khắp thế giới
VOV.VN -Một nông dân mới học hết lớp 7 nhưng đã sáng chế ra hơn 40 loại máy nông nghiệp, xuất khẩu đi 15 Quốc gia trên thế giới. Anh là Phạm Văn Hát nông dân tỉnh Hải Dương. Câu chuyện về anh được đưa vào sách giáo khoa Tiếng việt lớp 4, tập 1 (bộ sách cách Diều) trong bài viết có nhan đề “Phù thủy máy nông nghiệp”.
Dưới làn mưa xuân lây phây như bụi, anh Phạm Văn Hát, thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương dẫn chúng tôi tham quan khoảng sân rộng - nơi trưng bày la liệt máy móc. Bằng đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người thợ tài hoa, những thanh thép lạnh vô tri trở thành công cụ phục vụ đủ loại nhu cầu như: máy phun thuốc trừ sâu, máy bóc vỏ hạt sen, máy dỡ dây điện, máy tráng bánh đa... Chủ nhân của những cỗ máy độc đáo này vậy mà mới đặt chân vào ngạch sáng chế hơn 10 năm.
“Năm 2007-2010, tôi là người đầu tiên ở khu vực miền Bắc làm trang trại rau an toàn, cũng muốn đi trước đón đầu, nhưng mình làm sớm quá so với nhu cầu, thất thu gần 4 tỷ đồng. Sau trận thất bại đó tôi quyết định sang Isarel để tìm hiểu nguyên nhân mình thất bại. Thứ nhất là lấy tiền giả nợ, thứ 2 là xem học hỏi người ta để có cái gì mình chưa hiểu biết”, anh Phạm Văn Hát tâm sự.
Sang Isarel, anh Hát được chủ trang trại giao làm công việc bón phân cho cây trồng. Thời tiết nắng nóng của sa mạc Trung Đông nhiều hôm khiến anh kiệt sức.
“Nắm phân gà người ta hun trong nhà máy mang ra rất nóng, ngùn ngụt như nắm xôi. Nóng hôm cao độ 49-50 độ C, có ngày tôi uống 8 chai coca 1,5l. Mệt thì gọi chủ ra, bảo muốn chế cái máy. Tôi trước đó cũng làm nghề thợ hàn. Thứ 3 thử nghiệm thành công. Thì mình có biết tiếng Anh đâu, nó cứ vỗ đầu mình, đầu nó nó bảo same same. Ngày đầu chẳng biết same same là gì, hỏi mấy ông đại sứ quán các ông ý bảo là, đấy là người ta cho họ với mình thông minh giống nhau”, anh Hát kể lại.
Tiếp xúc với nền nông nghiệp hiện đại của nước bạn, khi nghĩ đến trước đây, phải thuê tới 40 lao động mà không biết áp dụng máy móc, công nghệ, anh Hát tìm ra nguyên nhân thất bại của mình.
Vậy là, anh kiên quyết trở về quê hương chỉ sau một năm, mở xưởng cơ khí với số nợ khổng lồ treo lơ lửng trên đầu. Gạt bỏ đàm tiếu về một nông dân học hết lớp 7, vỡ nợ, về quê khởi nghiệp, ngày đêm “vùi mình” bên máy cắt, máy hàn, anh Hát lấy những kinh nghiệm thực tế trên đồng ruộng để bù đắp những thiếu hụt về trường lớp. Cuối cùng sản phẩm đầu tiên sau 2 năm ấp ủ đã ra đời- “Robot đặt hạt” không chạy bằng điện mà chỉ có 1 mô-tơ, 1 quạt gió, công suất tiêu thụ chỉ 200W nhưng tốc độ gieo hạt nhanh gấp đôi so với máy cùng loại.
“Robot đặt hạt, mô tơ chỉ bằng cái chén, nhưng có những ngày tôi phải đi Hà Nội 2-3 lần, vì nếu mua mà không dùng được thì chỉ được đổi trong ngày thôi. Cứ xe máy tôi phóng lên chợ giời. Nó nhỏ xíu nhưng đến 3 triệu. Về lắp thử không được, khẩn trương mang giả, tối cũng lên đổi. Được đồng nào nướng hết vào cái máy đặt hạt. Cũng phải chấp nhận nó không thành, lại phải bỏ. Thế nhưng thật sự đến giây phút này nó đáp ứng lại công sức mình bỏ ra”, anh Hát chia sẻ.
Sau thành công của sản phẩm đầu tay, nhiều máy nông cụ “thương hiệu” “Hát chế tạo” lần lượt được trình làng. Trong đó, máy tiêm vaccine cho gia cầm được một tập đoàn của Đức đặt hàng với mong muốn tạo ra chiếc máy gọn nhẹ, giá thành rẻ hơn so với loại của Đức có giá 35 triệu đồng/chiếc. Thế nhưng khi anh Hát cho ra lò loại máy tương tự mà chỉ chi phí hơn 1 triệu đồng khiến cả tập đoàn ngạc nhiên, thán phục.
Tiếng lành đồn xa, giờ đây các sản phẩm của anh Hát đã được xuất đi 15 nước trên thế giới, và 63 tỉnh, thành trên cả nước. Là khách quen của cửa hàng, ông Nguyễn Văn Bạo, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương chia sẻ, các máy móc và nông cụ do anh Phạm Văn Hát chế tạo có thể ứng dụng được ngay bởi sự phù hợp với thực tiễn sản xuất.
“Muốn có máy móc thuận tiện trong sản xuất thì phải sang anh Hát mới đặt được. Từ ý tưởng đó anh hiện thực hóa rất tốt. Nên chúng tôi thường xuyên đến đây”, ông Nguyễn Văn Bạo nói.
Nửa tháng trước Tết, xưởng của anh Hát đã ngừng nhận đơn hàng mới vì quá tải. Trong tiếng khoan, tiếng hàn rộn ràng không ngớt, anh Phạm Quang Hưng, công nhân của xưởng vui mừng vì khách hàng ngày càng tin tưởng: “Niềm đam mê sáng chế và chủ yếu sản phẩm phục vụ nông nghiệp thì chỗ anh Hát thay đổi phù hợp với từng nhu cầu của sản xuất, của người nông dân”.
Ngắm nhìn những đứa con tinh thần của mình, anh Phạm Văn Hát còn rất nhiều dự định trong năm mới Giáp Thìn. Sức sáng tạo, niềm đam mê vô tận với công việc sáng chế máy nông nghiệp đang chắp cánh cho những giấc mơ ấy bay xa...