Việt Nam - Điểm sáng thu hút đầu tư khởi nghiệp
VOV.VN - Việt Nam đang được đánh giá là "viên ngọc quý" mới nhất của Đông Nam Á – đặc biệt trong hoạt động thu hút đầu tư. Một số tổ chức quốc tế nhìn nhận “bên cạnh sức hấp dẫn của thị trường, sự hỗ trợ từ phía chính phủ với hệ sinh thái khởi nghiệp góp phần tạo nên sức hút này. Điều này sẽ tiếp tục thể hiện trong năm 2023”.
Các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần qua các năm, từ 425 triệu USD năm 2019 lên 815 triệu USD năm 2020, và trong giai đoạn 2020 - 2022, con số này là gần 2 tỷ USD. Đà tăng trưởng này dự đoán tiếp diễn vào năm 2023.
Ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Golden Gate Ventures khẳng định, những yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo… Việt Nam là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, khi các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
“Tốc độ phát triển đổi mới sáng tạo của Việt Nam rất nhanh, đặc biệt là thị trường công nghệ của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng trong vòng 10 năm qua, thời gian tới Việt Nam có rất nhiều cơ hội từ những nền tảng hiện có như: giáo dục, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng cho công nghệ, công nghiệp chế biến chế tạo. Một số Công ty công nghệ lớn toàn cầu đã tới và thành lập cty tại Việt Nam: Goole, Intel, Amazone, Samsung... Điều này tạo nên cơ hội phát triển cho đất nước, cho doanh nghiệp, cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Vinnie Lauria khẳng định.
Nền tảng đó, cùng mục tiêu đóng góp những mảng sáng vào bức tranh kinh tế toàn cầu và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, Việt Nam đang có nhiều chủ trương hành động thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
“Các Quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ là đối tác quan trọng của Chính phủ, các Bộ ngành để cùng chia sẻ, hỗ trợ và đóng góp ý kiến trong việc hoạch định chính sách về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, giúp Việt Nam có được một môi trường kinh doanh ngày càng hấp dẫn hơn trong khu vực và trên thế giới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Thêm 1 thông tin đáng chú ý tại bản Báo cáo Đổi mới sáng tạo 2022 khi chỉ số xếp hạng về Thể chế của Việt Nam tăng mạnh từ vị trí thứ 83 năm 2020 và 2021, lên vị trí thứ 51 năm 2022. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong cả ngắn hạn, dài hạn, và đây là nền tảng để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư./.