Khơi thông dòng vốn, kênh tín dụng vào nền kinh tế
VOV.VN - Tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, từ đầu năm đến nay, trước tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt; nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững, đặc biệt, chính sách tài khóa tiền tệ có nhiều giải pháp để ổn định. Cho rằng, việc tiếp cận, hấp thụ vốn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng nếu lãi suất cho vay quá cao, doanh nghiệp cũng không tiếp cận được.
Đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước đã điều hành giảm lãi suất lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, cần xem xét lãi suất điều hành ở mức hợp lý để tránh ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, các kênh dẫn vốn khác và quyền lợi của người vay tiền; góp phần tăng trưởng và phát triển, đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và kế hoạch 5 năm đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị: “Khẩn trương có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp dự án bất động sản, nhất là đối với những dự án khả thi hiệu quả, các doanh nghiệp có năng lực tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai Thông tư số 02 ngày 23 tháng 4 năm 2023 và Thông tư số 03 ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật gắn với lại triển khai các biện pháp tăng cường chất lượng tín dụng, thúc đẩy xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro”.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã nêu lên các giải pháp cụ thể trong công tác điều hành và các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; tổ chức hội nghị về các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã.
Ngân hàng Nhà nước triển khai một số giải pháp tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, thủy sản, cà phê); triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh./.