Không chấp nhận việc xóa nợ thuế chỉ để làm đẹp sổ sách
VOV.VN - Sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, Bộ Tài chính đã xóa bỏ nhiều nội dung tại dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi.
Một số đề xuất về xóa nợ thuế tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi đã có những ý kiến trái chiều của cơ quan liên quan. Do vậy, Bộ Tài chính đã bỏ những đề xuất này tại Tờ trình chính thức.
Tại dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất: Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự còn nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp sẽ được xoá nợ tiền thuế. So với quy định hiện hành, thiếu điều kiện các cá nhân trên phải “không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ".
Theo lý giải của Bộ Tài chính, sở dĩ phải bỏ điều kiện này do hiện nay không có cơ quan Nhà nước nào chịu trách nhiệm về việc xác nhận cá nhân chết còn tài sản hay không.
Bộ Tài chính đề xuất xóa 26.500 tỷ đồng tiền nợ thuế (Ảnh minh họa: KT)
Ngoài ra, khi cá nhân còn nợ thuế đã chết, nếu còn tài sản thì tài sản này còn thuộc quyền sử dụng của gia đình người đó. Cơ quan thuế không thể thực hiện kê biên, bán đấu giá tài sản sử dụng chung của gia đình để thu hồi tiền thuế nợ được, nếu thực hiện sẽ gây phản cảm trong dư luận xã hội.
Cho ý kiến về đề xuất này, Bộ Tư pháp cho rằng việc xóa nợ tiền thuế, tiền phạt đối với cá nhân đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo những đối tượng này không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp, tránh trường hợp các đối tượng trên còn tài sản mà lại không phải thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Do đó, Bộ Tư Pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giữ nguyên chính sách này tại Luật Quản lý thuế hiện hành.
Một đề xuất khác cũng không nhận được sự đồng thuận từ phía Bộ Tư pháp là xoá nợ thuế đối với trường hợp người nộp thuế ngừng kinh doanh, giải thể quá 5 năm (quy định hiện tại là 10 năm).
Bộ Tư pháp cho rằng, nếu xây dựng chính sách này sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, khuyến khích người nộp thuế chây ỳ để qua 5 năm được xóa nợ sau đó lại tiếp tục nợ thuế. Việc xóa nợ này chỉ làm "đẹp" sổ sách của cơ quan thuế mà không có chế tài đối với người nộp thuế.
Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã giữ nguyên nội dung chính sách như hiện hành tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi./.
Xóa nợ thuế: Cần kiểm soát chặt, tránh chung chia trục lợi
Xóa nợ thuế có tạo tiền lệ xấu?