Không chỉ định thầu tuyến cao tốc Bắc – Nam
VOV.VN - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Không chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Kết luận cuộc họp về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, sáng nay (11/1), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu không chỉ định mà đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực triển khai dự án.
Ảnh minh họa: KT |
Tại cuộc họp, Bộ GTVT đã báo cáo kế hoạch triển khai Nghị quyết số 52 Quốc hội khóa 14 và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận một số đề xuất trong giai đoạn chuẩn bị các dự án đầu tư xây dựng công trình một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
Theo Bộ GTVT, để thực hiện những yêu cầu nêu trên, cần thiết phải có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch, cạnh tranh, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian vừa qua…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực, khoa học của Bộ GTVT trong thời gian qua. Theo đó, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng cơ chế huy động nguồn lực tham gia đầu tư Dự án, vì vậy cần sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để triển khai Dự án, bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành vào năm 2021.
Phó Thủ tướng giao các Bộ, ngành sớm có ý kiến về nội dung cơ chế, trên cơ sở đó Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ xem xét, thông qua tại kỳ họp tới nhằm đảm bảo triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả.
Ông Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định quan điểm tuyệt đối không chỉ định thầu, thay vào đó phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực triển khai các gói thầu đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng hiệu quả kinh tế, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực./.