Không nên lạc quan thái quá sau kết quả tăng trưởng kinh tế Quý I?
VOV.VN - Các chuyên gia khuyến cáo, dù tăng trưởng kinh tế quý I/2018 khả quan nhưng vẫn cần thận trọng bởi nền kinh tế vẫn đang đối diện với nhiều thách thức.
Tốc độ tăng trưởng tích cực
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP quý I/2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong đó, công nghiệp - xây dựng mà chủ yếu từ công nghiệp chế tạo là động lực cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11%.
Đặc biệt, ngành du lịch có mức tăng trưởng 30,9%, khách quốc tế đến nước ta trong quý I ước tính đạt hơn 4,2 triệu lượt người, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngành du lịch tăng trưởng có ý nghĩa quan trọng bởi nó đóng góp trực tiếp và lan toả lớn tới cả các ngành kinh tế như giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, viễn thông,… góp phần thúc đẩy nền kinh tế chung tăng trưởng.
Tăng trưởng GDP quý 1/2018 tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua (Ảnh minh họa: KT) |
Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) quý đầu năm 2018 được kiểm soát tốt ở mức tăng 2,82%. Tính chung 3 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 107,32 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017 với 8 loại mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa tính đến hết tháng 3/2018 ước thặng dư 1,3 tỷ USD. Trong quý 1/2018, cả nước có 26.785 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 278.500 tỷ đồng, cán mốc tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua. Đây là những tín hiệu sáng của bức tranh kinh tế quý 1.
Các dự báo gần đây cũng đều bảy tỏ lạc quan về kinh tế Việt Nam. Trong đó, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,83% (tức là cao hơn tới 12 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra hồi cuối năm 2017 - 6,71%), Trường Đại học kinh tế quốc dân dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,6-6,8%; ngân hàng HSBC cũng dự báo năm nay GDP Việt Nam năm nay có thể đạt khoảng 6,5-6,7%.
Tin tưởng nhưng cần thận trọng
Dù kinh tế quý đầu năm 2018 có nhiều tín hiệu khả quan, tuy nhiên, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng bày tỏ quan điểm “tôi tin tưởng nhưng tôi thận trọng”.
Ông Thành cho rằng, không nên quá hứng khởi. Nhiều người nói kinh tế Việt Nam 2018 tích cực, nhà đầu tư cũng đưa ra dự báo rất hứng khởi.
“Hứng khởi là tốt nhưng ở đây chúng ta phải chỉ ra vấn đề của kinh tế thế giới và trong nước đã, đang và sẽ gặp phải để có đối sách hợp lý. Ví dụ như chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, xen lẫn với đó là các cú sốc có thể xảy ra đối với thị trường tài chính, tiền tệ... Nếu nhìn ra được trước những khó khăn, chúng ta mới có biện pháp để mổ xẻ và xây dựng các kịch bản, ứng phó mọi tình huống chứ không rơi vào chủ nghĩa lạc quan thái quá", TS.Võ Trí Thành nêu ý kiến.
Dẫn chứng tại một hội nghị mới đây, trên 70% đại biểu cho rằng tăng trưởng Việt Nam trên 7% và thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt trên 1.200 điểm. “Vậy đằng sau những con số hứng khởi này là gì?”, vị chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi và cho rằng phải phân tích cụ thể, chính xác để tính toán thực lực của nền kinh tế. Đơn cử như công nghiệp, tổng thể là tốt, nhưng nếu không tính Samsung thì “không có gì đặc sắc cả”. Trong khi đó còn rất nhiều những khó khăn mà DN phải đối mặt.
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, nếu nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế của Việt Nam thì thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém cần tập trung giải quyết như: tăng trưởng chưa nhanh và bền vững, năng suất lao động chưa cải thiện theo chiều sâu, kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, thách thức về già hoá dân số, nguy cơ "chưa giàu đã già" và rơi vào bẫy thu nhập trung bình, các vấn đề cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh…
Theo ông Ngô Văn Tuấn, đây là những nút thắt mà nếu có thể giải quyết được sẽ tạo ra đột phá trong nội lực nền kinh tế, giúp củng cố đà phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.
Còn theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân, bên cạnh những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, không thể không nhắc đến sự thực là khu vực DN, đặc biệt DN tư nhân đang rất khó khăn. Mặc dù môi trường kinh doanh đã cải thiện hơn sau những nỗ lực xây dựng Nhà nước kiến tạo, số lượng DN và lượng vốn đăng ký tăng mạnh nhưng khu vực DN vẫn đang đối diện với rất nhiều rào cản để phát triển. Trong đó, có các rào cản khi tham gia thị trường, các yếu tố sản xuất quan trọng như vốn, lao động, đất đai, công nghệ, cơ sở hạ tầng và logistics… Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các DN, từ đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đang đối diện với nhiều tồn tại và thách thức như: chất lượng tăng trưởng chưa có cải thiện, nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng trong khi chất lượng của các nguồn lực vẫn còn thấp. Cách thức tăng trưởng hiện nay khiến dư địa tác động chính sách bị thu hẹp, những chính sách quản lý tổng cầu gây sức ép bất ổn như lạm phát hay bất ổn tài chính…
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, chính sách gia tăng tổng cung cần được tập trung với quyết tâm lớn trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN cần được coi là một ưu tiên chính sách.
“Việc tháo gỡ các rào cản làm giảm khả năng tiếp cận hoặc tăng chi phí tiếp cận các yếu tố sản xuất và chi phí thực hiện nghĩa vụ Nhà nước là rất cần thiết nhằm tiết giảm chi phí của DN và đóng góp vào chính sách gia tăng tổng cung. Những ưu tiên chính sách này phù hợp với xu hướng chính sách hiện nay của Chính phủ, đó là quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh và hướng đến mục tiêu Chính phủ kiến tạo”, PGS.TS Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh./.
Tăng trưởng GDP quý I cao nhất trong 10 năm qua
Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt 6,83%
Tăng trưởng phụ thuộc FDI, Việt Nam có thể sa vào “bẫy giá trị thấp“