Không nới lỏng chính sách tiền tệ
Tập trung quyết liệt giảm dần lãi suất phù hợp với tốc độ giảm lạm phát; xây dựng phương án trước sức ép tỷ giá những tháng cuối năm…
Không nới lỏng chính sách tiền tệ - đây là một trong những quyết nghị quan trọng của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9 diễn ra sau một ngày rưỡi làm việc. Các thành viên Chính phủ đã dành cả ngày 25/9 để tập trung thảo luận về KT-XH tháng 9 và 9 tháng qua, đồng thời phân tích nguyên nhân, thống nhất giải pháp căn bản để tiếp tục ứng phó hiệu quả với lạm phát, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tăng trưởng tích cực, lạm phát được kiềm chế
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua ước đạt 5,76%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2010 nhưng trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao thì tốc độ tăng trưởng này được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá là rất tích cực. Cả 3 khu vực công, nông nghiệp và dịch vụ đều duy trì được tăng trưởng khá cao, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 6,62%. Với 8,3 tỷ USD xuất khẩu trong tháng 9 đã nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả 9 tháng lên tới trên 70 tỷ USD tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái và cao gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội thông qua.
Xuất khẩu tăng mạnh cũng là một trong những yếu tố góp phần kiểm soát nhập siêu 9 tháng chỉ bằng xấp xỉ 9,8% kim ngạch xuất khẩu. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bày tỏ tin tưởng nhập siêu trong cả năm nay sẽ kiểm soát được khoảng 13% (Nghị quyết 11 đề ra là không quá 16%).
Lạm phát trong tháng 9 cũng tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay với mức tăng 0,82%. Như vậy liên tiếp trong 2 tháng qua lạm phát đã được kiềm chế dưới 1%. Các chỉ số kinh tế vĩ mô khác liên quan đến tăng thặng dư cán cân thanh toán tổng thể và dự trữ ngoại tệ, kiểm soát ổn định tỷ giá, lãi suất giảm dần theo lạm phát, giảm tổng cầu thông qua chủ yếu giảm đầu tư công, đảm bảo nợ quốc gia trong phạm vi an toàn… là những tín hiệu tích cực bước đầu, tạo đà để tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 18% và phấn đấu tăng trưởng khoảng 6% trong cả năm nay…
Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc
Mặc dù lạm phát đã được kiềm chế nhưng nếu so với tháng 12/2010 thì đến nay lạm phát cũng tăng đến 16,63%. Lạm phát lan ra khắp toàn cầu nhưng bấy lâu nay Việt Nam lại là quốc gia có lạm phát cao hơn nhiều nước trên thế giới. Nguyên nhân chính là nhóm tiền tệ nới lỏng, kéo dài nhiều năm khiến tổng cầu tăng quá lớn. Ngoài ra, còn do giá năng lượng, lương thực, vật tư nguyên liệu thế giới tăng cao; cơ cấu kinh tế, đầu tư trong nước kém hiệu quả, nhập siêu lớn kéo dài nhiều năm; cộng thêm hệ lụy của việc duy trì giá một số mặt hàng quá lâu và tâm lý kỳ vọng…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng nhấn mạnh việc kiểm soát đầu tư công còn hạn chế, chưa có kế hoạch hóa đầu tư trong trung và dài hạn… Việc kiểm soát nhiều thị trường hiện nay còn kém hiệu quả. Dẫn chứng là dư nợ cho vay bất động sản hiện nay lên tới khoảng 245.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 12% là nợ xấu.
Đầu tư công nhiều nơi vẫn chưa hiệu quả (ảnh KT) |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đề nghị cần thiết cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, góp phần lành mạnh hệ thống tín dụng và xử lý nghiêm ngân hàng vi phạm trần lãi suất…
Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc hay nói cách khác vẫn còn bấp bênh. Thủ tướng nhận định như vậy và nêu rõ thách thách thức, khó khăn phía trước còn rất lớn, không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả tích cực bước đầu đạt được.
Thủ tướng phân tích rõ tình trạng nợ xấu trong ngân hàng tăng lên; sức ép tỷ giá còn lớn; dự trữ ngoại tệ có tăng thêm nhưng vẫn còn mỏng manh và chưa đạt chỉ số an toàn; sản xuất của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; đời sống của người thu nhập thấp khó khăn, nhất là người lao động tại khu công nghiệp và đồng bào ở vùng sâu vùng xa; thiên tai chắc chắn còn gây nhiều thiệt hại đối với nền kinh tế…
Kiên định mục tiêu Nghị quyết 11
Đồng tình với các thành viên Chính phủ dứt khoát không thay đổi mục tiêu Nghị quyết 11, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, không nới lỏng; tập trung quyết liệt giảm dần lãi suất phù hợp với tốc độ giảm lạm phát; xây dựng các phương án cân đối trước sức ép tỷ giá những tháng cuối năm để kiểm soát không gây biến động lớn; kiểm soát tăng tổng dư nợ tín dụng khoảng 15-17% còn tổng phương tiện thanh toán 12-13%; kiểm soát nợ xấu, đảm bảo tính thanh khoản, nhất là đối với ngân hàng cổ phần, ngân hàng dư nợ cho vay đầu tư bất động sản nhiều dễ đổ vỡ… Ngân hàng Nhà nước cũng chịu trách nhiệm chính kiểm soát lạm phát mục tiêu: năm 2011 là khoảng 18%, năm 2012 là dưới 10%, tiến tới giảm dần và còn khoảng 5% vào năm 2015.
Lưu tâm đến điều hành tỷ giá những tháng cuối năm (ảnh KT) |
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiêm túc thực hiện cắt giảm và nâng cao hiệu quả đầu tư công, đẩy mạnh tăng thu ngân sách gắn với giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP. Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, trước hết là sản xuất nông nghiệp phải quyết liệt đảm bảo lương thực thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán; không để thiếu hàng cục bộ, đầu cơ, tăng giá các mặt hàng thiết yếu cũng như phải minh bạch, công khai trong quản lý giá xăng dầu, giá điện và giá than; rà soát thúc đẩy tiến độ các dự án sắp hoàn thành, các dự án cấp bách tính toán cân đối vốn để tiếp tục thực hiện nhằm đem lại hiệu quả cao nhất; tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu gắt gao hơn gắn với tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ….
Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra, trước mắt hỗ trợ công tác củng cố đê bao chống lũ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời, chuẩn bị đủ giống phục vụ sản xuất và vaccine để phòng chống dịch bệnh; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hướng dẫn tổ chức đánh cá cho ngư dân hiệu quả nhất với sự trợ giúp của nhà nước. Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt với các bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng, ngoại hối cũng như tăng cường các biện pháp quyết liệt nhằm kiềm chế tai nạn giao thông…
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương đã xác định rõ danh mục thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp thì phải quyết liệt bãi bỏ và sửa đổi, đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác đầu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời để định hướng đúng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội…
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến các thành viên Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với các phương án sắp xếp đối với từng doanh nghiệp gắn với đổi mới mô hình, cơ chế quản lý rõ ràng, nhất là trách nhiệm chủ sở hữu, kiểm tra giám sát chấp hành pháp luật, công tác quản lý cán bộ… Chính phủ sẽ có phiên họp thảo luận riêng về vấn đề này.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dừng đầu tư ra ngoài ngành, tính toán rút dần các khoản đã đầu tư ngoài ngành để tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chính….
Cũng trong phiên họp, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đây là một công cụ quan trọng để Chính phủ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Chiến lược phát triển KT-XH và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020…/.