Khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP
VOV.VN - Luật PPP khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu nhằm tập trung nguồn lực, bao gồm: giao thông, lưới điện, thủy lợi, y tế-giáo dục, hạ tầng CNTT.
Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ 1/1/2021, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện từ 15/8/2020.
Đây là một trong những quy định đáng chú ý nằm trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) vừa được công bố hôm nay (10/7).
Chú thích ảnh |
Trong buổi họp báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 10/7, những nội dung cơ bản của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được đề cập.
Cụ thể, về lĩnh vực đầu tư, Luật PPP khu biệt 05 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực, cụ thể bao gồm: (1) Giao thông; (2) Lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); (3) Thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; (4) Y tế, giáo dục - đào tạo; (5) Hạ tầng công nghệ thông tin.
Buổi họp báo chiều 10/7 tại trụ sở của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Về quy mô đầu tư, Luật PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP là 200 tỷ đồng. Đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giá trị này là 100 tỷ đồng.
Về phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Luật quy định việc phân loại dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, gồm Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Về Hội đồng thẩm định dự án PPP, Luật PPP quy định Hội đồng thẩm định dự án PPP bao gồm: (1) Hội đồng thẩm định nhà nước; (2) Hội đồng thẩm định liên ngành; (3) Hội đồng thẩm định cấp cơ sở.
Về Vốn nhà nước trong dự án PPP, Luật quy định cụ thể mục đích sử dụng, phương thức quản lý vốn nhà nước trong dự án PPP. Trong đó, với phần vốn nhà nước sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng, hạn mức tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư và được quản lý, sử dụng theo 02 phương thức: (1) Tách thành tiểu dự án trong dự án PPP; (2) Bố trí vào hạng mục cụ thể theo tỷ lệ và giá trị, tiến độ và điều kiện quy định tại hợp đồng.
Về lựa chọn nhà đầu tư, quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP lần đầu được tích hợp tại một văn bản quy phạm pháp luật về PPP, bảo đảm tính thống nhất, chỉnh thể và tính liên tục của quy trình thực hiện một dự án PPP; đồng thời, thu hẹp trường hợp chỉ định nhà đầu tư so với quy định hiện hành tại Luật Đấu thầu năm 2013.
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Luật quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỷ lệ cố định 50%-50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kì doanh thu hàng năm. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.
Về huy động vốn của doanh nghiệp dự án, bên cạnh kênh huy động vốn truyền thống là từ vốn tín dụng của các ngân hàng, Luật PPP cho phép doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thực hiện dự án PPP.
Về Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP, Luật quy định cụ thể phạm vi, nội dung Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán đối với dự án PPP, bao gồm việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP.
Về Dự án BT, Luật PPP thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Theo đó, quy định chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai được quy định cụ thể tại Luật. Đặc biệt, kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện./.