Khu công nghiệp giống cửa hàng tạp hóa
(VOV) - Nơi nào cũng gắng lấp đầy các khu công nghiệp bằng mọi cách mà thiếu tìm hiểu kỹ nhà đầu tư.
Vùng duyên hải miền Trung gồm 7 tỉnh, thành phố, từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có 42 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 14.000 ha. 10 năm qua, các khu công nghiệp đã thu hút được nhiều dự án, tạo việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp vẫn thấp, đặc biệt việc kêu gọi, thu hút đầu tư thiếu lựa chọn chưa tạo được sự bứt phá để phát triển kinh tế Vùng.
Một KCN của Đà Nẵng (ảnh có tính minh họa) |
Trong số 7 tỉnh, thành phố Vùng Duyên hải Miền Trung thì các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Định và thành phố Đà Nẵng đã bước đầu thành công trong việc thu hút nhà đầu tư, tạo ra giá trị sản xuất cao. Hiện, thành phố Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích gần 1.200 ha. Các khu công nghiệp đã thu hút được gần 350 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, tổng số vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng và gần 700 triệu USD. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp ở Đà Nẵng đạt gần 86%, tạo công ăn việc làm cho hơn 63 ngàn lao động. Thành phố Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong vùng có khu công nghiệp công nghệ cao, tạo ra nét riêng biệt và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách mà thành phố Đà Nẵng chưa thực sự làm nhà đầu tư hài lòng.
Ông Trương Giang Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Khu Công nghiệp Hòa Cầm, thành phố Đà Nẵng cho rằng: "Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải thường xuyên xem xét về cơ chế chính sách và tạo điều kiện ổn định để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp. Chính sách về nhà ở cho công nhân cũng chưa đủ mạnh để thu hút và tạo sự quan tâm của doanh nghiệp đầu tư nhà ở công nhân, để thu hút lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn".
Thực tế hiện nay là địa phương nào cũng có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư na ná nhau. Nơi nào cũng gắng lấp đầy các khu công nghiệp bằng mọi cách mà thiếu tìm hiểu kỹ nhà đầu tư, nhất là trình độ công nghệ sẽ được triển khai tại địa phương. Hệ quả tất yếu là ở các khu công nghiệp, ngành nghề nào cũng có, nhưng hầu hết là các dự án quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; không ít dự án còn gây ô nhiễm môi trường…
Mới đây, tại Hội thảo Kinh nghiệm thu hút đầu tư của Vùng tổ chức tại tỉnh Bình Định, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã ví von rằng: Các Khu Công nghiệp của Vùng như một “bách hóa tổng hợp”: "Tức là rất nhiều ngành nghề trộn lẫn vào, và đẳng cấp công nghệ thấp. Bây giờ phải làm theo hướng tập trung hơn cho những chuỗi sản phẩm. Như thế thì hiệu quả và đẳng cấp mới cao được, khi đó mới giải quyết được vấn đề phát triển. Theo tôi, ta hướng đến trình độ cao về mặt thể chế để thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư có tầm cỡ hơn là việc ưu tiên ưu đãi và cố gắng bằng mọi cách để kéo nhà đầu tư chất lượng thấp, công nghệ thấp vào."
Trong số 42 khu công nghiệp ở vùng Duyên hải miền Trung được cấp phép, mới chỉ có 24 khu đã và đang hoạt động. Đáng nói là, việc xây dựng các khu công nghiệp dàn trải, thiếu đồng bộ về kết cấu hạ tầng, dẫn đến phân tán vốn đầu tư, mô hình quản lý và chính sách thu hút ưu đãi đầu tư chưa hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược. Vốn đầu tư bình quân/1 dự án tại các khu công nghiệp trong Vùng chỉ đạt hơn 78 tỷ đồng đối với dự án đầu tư trong nước, trong khi chỉ tiêu bình quân cả nước là gần 90 tỷ đồng; dự án đầu tư nước ngoài bình quân cả nước đạt gần 15 triệu USD trong khi Vùng duyên hải miền Trung chỉ đạt hơn một nửa. Rõ ràng, đã có sự khác biệt và khoảng cách khá lớn giữa các khu công nghiệp Vùng Duyên hải miền Trung và các vùng khác trong cả nước.
Tiến sỹ Trần Du lịch, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển khu vực miền Trung kiến nghị: "Việc quy hoạch 42 khu công nghiệp với diện tích như hiện nay thì giữa cung và nhu cầu thị trường đầu tư vênh nhau, bất cập. Chúng tôi dự báo rằng trong 10-15 năm tới không thể nào triển khai được. Do đó phải quy hoạch lại, làm sao để nguồn vốn hữu hạn của nhà nước là vốn mồi và phải phát huy cho được mô hình công tư đối tác để chúng ta sử dụng có hiệu quả và tập trung được".
Cũng theo ông Lịch, làm được như vậy các nhà đầu tư không chỉ nghĩ đến vấn đề giảm miễn thuế, vấn đề là hạ tầng, nguồn nhân lực, dịch vụ, công nghiệp, mà còn giúp nhà đầu tư giảm chi phí mới hấp dẫn.
Đã 10 năm qua, các địa phương vùng duyên hải miền Trung luôn đặt ra vấn đề “liên kết”, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực. Thế nhưng, việc chưa tìm được tiếng nói chung và “mạnh ai nấy làm” đang là trở lực để vùng Duyên hải miền Trung vốn nhiều tiềm năng vẫn chưa thể bứt phá./.