Kiểm ngư hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển
VOV.VN - Lực lượng Kiểm ngư luôn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ ngư trường, sát cánh cùng ngư dân, trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con khai thác trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc.
Kiểm ngư luôn sát cánh cùng ngư dân
Với chức năng, nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản; đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình trên biển; tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ ngư dân, những năm qua, lực lượng Kiểm ngư đã phát huy cao nhất vai trò là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Từ khi được thành lập đến nay, với nhiệm vụ hết sức thiêng liêng lực lượng Kiểm ngư luôn nỗ lực, vượt qua những khó khăn, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý và góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Lực lượng Kiểm ngư đã tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn góp phần giảm thiểu tai nạn trên biển và tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Ông Trần Minh Nhanh, Thuyền trưởng tàu cá BTh 99979 TS quê ở xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận làm nghề khai thác cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa cho biết: Những năm qua, khi khai thác xa bờ, ông và nhiều ngư dân khác rất yên tâm vì bên cạnh các lực lượng như Hải quân, Cảnh sát biển thì bà con còn luôn nhận được sự hỗ trợ của lực lượng Kiểm ngư.
Với ngư dân Nguyễn Quang Thoại, thuyền trưởng tàu QB91124 TS quê ở Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình không thể quên những giây phút sinh tử khi tàu ông gặp nạn trong một cơn bão. Khi đã được tàu của lực lượng Kiểm ngư cứu nạn, đưa vào bờ an toàn ông và các thuyền viên trên tàu vẫn chưa hết bàng hoàng.
"Năm 2019, tàu ông đánh bắt cá ở khu vực biển cách đảo Cồn Cỏ khoảng 60 hải lý thì bị hỏng máy, trôi tự do nên phát đi tính hiệu cầu cứu. Thời điểm ấy bão số 4 đang hoành hành trên biển, nên mưa to, gió lớn, sóng biển cao 5-6m. Trong giây phút sinh tử, có những lúc đã nghĩ đến việc cả 14 người sẽ chết trên biển. May mắn chúng tôi được thuyền viên Chi đội Kiểm ngư số 3 cứu sống, an toàn cả tàu và người vào bờ. Đó là điều thần kỳ", ông Thoại bùi ngùi nhớ lại.
Kiện toàn lực lượng Kiểm ngư
Mới đây, Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV nhấn mạnh việc triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của thủy sản định kỳ theo quy định của Luật Thủy sản để có giải pháp nuôi trồng, khai thác phù hợp; điều chỉnh số lượng, cơ cấu tàu thuyền đối với một số nghề ở vùng biển phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản 2023 - 2030; khẩn trương phê duyệt và triển khai Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản giai đoạn 2021 - 2030. Rà soát, điều chỉnh, thành lập mới các khu bảo tồn biển cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhằm đạt mục tiêu tối thiểu 6% diện tích vùng biển cần bảo tồn.
Quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản; xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân sang các nghề khác, bảo đảm đời sống của ngư dân khi thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ ngư dân trong thời gian tạm ngừng khai thác thủy sản; xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ các khu bảo tồn biển phát triển bền vững.
“Kiện toàn lực lượng Kiểm ngư và thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong khai thác bất hợp pháp, giảm nhanh và tiến đến chấm dứt tình trạng này, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cạn kiệt, suy thoái tài nguyên biển” – nghị quyết nêu rõ.
Một nội dung khác được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh là đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định đến năm 2025”. Tiếp tục đàm phán, ký kết, phân định vùng biển chồng lấn, vùng chưa phân định giữa Việt Nam với các nước; xác định ranh giới được phép khai thác hải sản trên các vùng biển nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân nước ta bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử lý trên vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực.
Hoàn thành lắp đặt thiết bị hành trình, xử lý dứt điểm những tàu cá khi khai thác hải sản không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có giải pháp xử lý triệt để đối với tàu cá cố tình không bật thiết bị giám sát hành trình và tự ý ngắt kết nối. Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến qua các đồn, trạm biên phòng tuyến biển, bảo đảm đủ các điều kiện tham gia hoạt động khai thác hải sản.
Điều tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nhất là điều tra, xử lý, truy tố hình sự các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
“Tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm quy định về các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tiếp tục thông tin, truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi khai thác IUU và vận động Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” về hải sản đối với Việt Nam” - Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý.