Kiểm soát chặt tạm nhập tái xuất và buôn lậu đường
(VOV) - Các cơ quan liên quan cần đánh giá kỹ hoạt động xuất khẩu cũng như tăng cường chống buôn lậu mặt hàng này.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ mặt hàng đường nội địa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo đánh giá kỹ, đúng thực tế sự ảnh hưởng của hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng đường đối với việc xuất khẩu đường sản xuất trong nước cũng như tăng cường công tác chống buôn lậu mặt hàng này.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá kỹ, đúng thực tế việc quản lý hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, thực trạng vi phạm trong tạm nhập tái xuất mặt hàng đường (làm rõ hành vi vi phạm, mức độ nghiêm trọng) và sự ảnh hưởng của hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng đường đối với việc xuất khẩu đường sản xuất trong nước; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2013.
Về tăng cường công tác chống buôn lậu mặt hàng đường, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 Trung ương chỉ đạo UBND các tỉnh biên giới, chính quyền địa phương vùng biên giới, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm (nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam và miền Trung), kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu đường, buôn bán, vận chuyển đường nhập lậu; thường xuyên đôn đốc, giám sát việc thực hiện.
Ban Chỉ đạo 127 Trung ương trao đổi với Hiệp hội Mía đường Việt Nam để chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường trong nước thực hiện các biện pháp quản lý chặt hóa đơn xuất bán đường, việc in ấn, sử dụng bao bì để ngăn chặn việc lợi dụng hợp thức hóa đường nhập lậu.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung trinh sát, xác định các đầu nậu, đường dây buôn lậu đường có tổ chức để tiến hành điều tra, triệt phá; kiên quyết khởi tố các vụ việc có đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan rà soát, quản lý chặt chẽ việc thanh khoản các tờ khai tạm nhập đường, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; ngăn chặn việc lợi dụng để thẩm lậu vào nội địa.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường trong nước có giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng đường (chất lượng, chủng loại, giá cả); có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ hiệu quả các lực lượng chức năng trong cung cấp thông tin, xác minh và xử lý các vụ việc buôn lậu đường, buôn bán, vận chuyển đường nhập lậu./.