Kiến nghị đánh thuế cao để hạn chế sử dụng túi ni lông
Cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế TP HCM đều kiến nghị cần đánh giá lại Luật thuế Bảo vệ môi trường xem xét tăng mức thuế đối với túi ni lông.
Hạn chế sử dụng túi ni lông
Theo Cục Hải quan TPHCM, đối với mặt hàng túi ni lông là mặt hàng không thiết yếu và có ảnh hưởng đến môi trường rất lớn. Do đó cần hạn chế ở mức thấp nhất việc nhập khẩu và sản xuất đối với mặt hàng này, cần xem xét tăng mức thuế cao hơn mức áp dụng hiện nay (50.000 đồng/kg). Theo đó, cần sửa đổi, tăng khung thuế áp dụng đối với mặt hàng túi ni lông cao hơn mức khung quy định tại Luật thuế BVMT hiện nay.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM phân tích, Luật thuế BVMT quy định biển khung thuế đối với túi ni lông từ 30.000 đồng-50.000 đồng/kg. Mức thuế thuế cụ thể hiện hành đối với túi ni lông là 40.000 đồng/kg, tương đương khoảng 200%giá bán hiện hành (1 kg túi ni lông có thể có từ 100-200 túi), nghĩa là thuế BVMT chỉ thu khoảng 200-400 đồng/túi. Nếu tăng mức thuế BVMT đối với túi ni lông lên mức trên 50.000 đồng/kg thì cũng chỉ tương đương 250-500 đồng/túi.
Rau xanh được bán bằng chậu tại phiên chợ Xanh. Ảnh: T.H |
Theo Cục Thuế TPHCM, khung và mức thuế BVMT đối với túi ni lông của Việt Nam thấp so với các nước trên thế giới nên chưa có tác động nhiều tới việc hạn chế sản xuất, sử dụng túi ni lông. Do đó, cơ quan này kiến nghị cần nghiên cứu điều chỉnh khung thuế BVMT đối với túi ni lông để góp phần đảm bảo mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nam Bình cho biết, mỗi năm Cục Thuế TPHCM thu thuế BVMT khoảng 9.000 tỷ đồng. Để thực hiện hiệu quả thu thuế BVMT, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM đề nghị sản phẩm nhựa dùng một lần nên đánh thuế. Theo đó, bổ sung các sản phẩm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa, màng ni lông, tấm ni lông, dải ni nông, cuộn ni lông dạng ống được làm từ màng nhựa polyetylen vào đối tượng chịu thuế tương tự như túi, bao bì ni long. Bởi vì, theo Cục Thuế TPHCM, bản chất các hàng hóa này cũng là hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường.
Cùng với đó, Cục Hải quan TPHCM kiến nghị, Luật thuế BVMT được ban hành từ năm 2010, đến nay đã qua 9 năm thực hiện. Do đó, cần tổng kết đánh giá quá trình thực hiện, chỉ rõ các hạn chế, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đối với mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu đề nghị đánh thuế BVMT thật cao hoặc quy định nhập khẩu có điều kiện để cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra, cấp phép.
Thống nhất đối tượng không chịu thuế
Theo Cục Hải quan TPHCM, số thu thuế BVMT tại Cục Hải quan TPHCM năm 2016 đến nay hầu hết tăng qua các năm (riêng năm 2016 giảm 8% so với năm 2015). Tuy nhiên, số thu thuế BVMT chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (dưới 0,2%) trên tổng thu NSNN của Cục Hải quan TPHCM.
Đến năm 2019, áp dụng Nghị quyết số 579/2018/QH14 ngày 26/9/2018 thuế BVMT các mặt hàng chịu thuế đã tăng cao, chẳng hạn mặt hàng xăng từ 1.000 đồng/ lít đến năm 2019 đã tăng lên 4.000 đồng/ lít; túi nylon từ 40.000 đồng/kg đã tăng lên 50.000 đồng/ kg.
Về đối tượng không chịu thuế, hiện nay về chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hoá gia công và hàng hoá sản xuất xuất khẩu chưa thống nhất. Theo quy định tại điểm 2.4 Điều 2 Luật thuế BVMT và Điều 2 Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/9/2012 sửa đổi bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật thuế BVMT, theo đó quy định:
Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài (bao gồm cả hàng hoá xuất khẩu được gia công từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu) do cơ sở sản xuất (bao gồm cả gia công) trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu thì cơ quan Hải quan không thu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hoá xuất khẩu và nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công sau đó xuất khẩu ra nước ngoài khi nhập khẩu.
Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường được tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua để xuất khẩu thì cơ sở sản xuất hàng hoá phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường khi bán hàng hoá…"
Tuy nhiên Luật thuế BVMT hiện nay chưa quy định đối tượng không chịu thuế đối với hàng hoá xuất khẩu ra nước ngoài theo loại hình sản xuất - xuất khẩu. Xét về bản chất cả loại hình gia công và sản xuất xuất khẩu đều nhập nguyên liệu, vật tư từ nước ngoài sau đó sản xuất thành phẩm và xuất khẩu sản phẩm đã sản xuất ra nước ngoài. Hàng gia công chỉ khác hàng sản xuất xuất khẩu ở chỗ nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị do bên gia công cung cấp theo thoả thuận tại hợp đồng gia công.
Do đó, để đảm bảo tính công bằng, thống nhất, Cục Hải quan TPHCM đề xuất cần sửa đổi, bổ sung chính sách thuế BVMT áp dụng đối với hàng sản xuất xuất khẩu như quy định đối với hàng gia công.
Bên cạnh đó, các mặt hàng chịu thuế BVMT hiện nay chưa được cụ thể hoá theo từng mã HS nên cơ quan Hải quan gặp khó khăn trong kiểm tra xác định và dễ xảy ra tranh cải giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Kiến nghị Bộ Tài Chính tham mưu cho Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Biểu thuế BVMT, trong đó cụ thể hoá tên hàng và mã HS của mặt hàng chịu thuế theo Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam để thực hiện thống nhất./.
Các doanh nghiệp bán lẻ hào hứng thay thế túi ni lông bằng lá chuối