Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Khó quản thì cấm?

VOV.VN - Thay vì tìm cách cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hãy rà soát điều kiện kinh doanh dịch vụ này để bổ sung, điều chỉnh cho chặt chẽ hơn.

Tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế ngày 29-30/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Dự án Luật Đầu tư sửa đổi lần này ban soạn thảo bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Đây không phải lần đầu tiên có đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Vậy, cấm kinh doanh dịch vụ này sẽ góp phần làm lành mạnh hóa hơn môi trường đầu tư kinh doanh hay đây là biểu hiện của việc khó quản lý thì cấm?

Dịch vụ đòi nợ thuê là một dạng quan hệ kinh tế đã và đang tồn tại ở cả thành thị lẫn nông thôn. Nó ra đời và sống nhờ cung - cầu của thị trường và pháp luật hiện hành không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Khoảng 99% công ty đòi nợ thuê cấu kết băng nhóm xã hội đen để trấn áp tinh thần người vay nợ. Ảnh: Báo Giao thông

Điều này được thể hiện ở chỗ, Luật Đầu tư 2014 không xếp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục các nghề bị cấm đầu tư kinh doanh. Hơn nữa, ngành nghề này được xác định là ngành nghề phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Tức là, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Một ngành nghề đang hoạt động hợp pháp và có quy định điều kiện kinh doanh thì tại sao phải đề xuất cấm? Nguyên nhân chính khiến cơ quan chức năng muốn cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là vì nó đang bị biến tướng và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Thực tế, rất nhiều vụ việc va chạm giữa người vay nợ và người thu hồi nợ gây mất an ninh trật tự do xô xát, bắt giữ người trái phép, dùng vũ lực trấn áp “con nợ”…, thậm chí gây án mạng khi đòi nợ.

Và một con số rất đáng lo là, theo Công an TP HCM, hiện trên địa bàn thành phố có gần 70 công ty đòi nợ thuê, nhưng chỉ có 45 doanh nghiệp được cấp phép; thậm chí khoảng 99% công ty đòi nợ thuê trên địa bàn cấu kết băng nhóm xã hội đen để trấn áp tinh thần người vay nợ. Và UBND TP HCM mới đây đã tiếp tục kiến nghị lần thứ hai lên Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Theo Nghị định 104/2007/NĐ-CP đã có nhiều quy định về nhân viên công ty thu hồi nợ, như phải có trình độ từ trung cấp trở lên, thuộc các ngành nghề an ninh, luật, kinh tế, quản lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP HCM, ngoài số nhân viên đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn theo quy định trên, đa số các công ty thu hồi nợ thành lập thêm công ty bảo vệ, tuyển dụng nhiều người có tiền án, tiền sự và sử dụng những nhân sự này để đòi nợ…

Bản thân Bộ Tài chính cũng từng đánh giá, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hoạt động kinh doanh nhạy cảm về mặt xã hội, dễ xảy ra hậu quả do hành vi đòi nợ bất hợp pháp, vì vậy cần quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Các sai phạm chủ yếu của doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ hiện nay là các sai phạm về an ninh, trật tự khi doanh nghiệp sử dụng các biện pháp thu hồi nợ bất hợp pháp kiểu “xã hội đen”.

Những hành vi biến tướng của dịch vụ đòi nợ đã và đang gây khó khăn cho các cơ quan quản lý và tác động xấu tới xã hội. Việc cơ quan chức năng lo lắng và có đề xuất giải pháp nhằm quản lý xã hội tốt hơn là chính đáng. Nhưng không thể đổ thừa do không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là tạo kẽ hở pháp lý để một số người cấu kết với băng nhóm gây phức tạp về an ninh trật tự.

Bởi vì, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh hợp pháp và có điều kiện cụ thể. Để xảy ra biến tướng và tác động tiêu cực từ kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trước hết lỗi không phải ở dịch vụ đòi nợ mà là ở cách vận hành dịch vụ và kết quả công tác giám sát của cơ quan chức năng đối với hoạt động này.

Hơn nữa, quan hệ vay - nợ là hợp đồng dân sự hoặc kinh tế. Nếu có tranh chấp, các bên tự thỏa thuận hoặc khởi kiện ra tòa giải quyết. Nhà nước ta có đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ quan bảo vệ pháp luật để thực thi. Vậy tại sao khi phát sinh tranh chấp, nhu cầu phải tìm đến dịch vụ đòi nợ, chủ nợ không tìm đến cơ quan trọng tài kinh tế, tòa án mà dùng các lực lượng khác, thậm chí xã hội đen? 

Cho nên, thay vì tìm cách cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hãy rà soát điều kiện kinh doanh dịch vụ này để bổ sung, điều chỉnh cho chặt chẽ hơn; tìm giải pháp tăng hiệu quả giám sát hành nghề sau khi cấp giấy phép; đồng thời tăng cường tính tiện lợi, hiệu quả và tin cậy của cơ quan trọng tài, tòa án để các chủ nợ tìm đến để sử dụng dịch vụ pháp lý này thay vì dùng “xã hội đen” để đòi nợ.

Còn nếu không, quy luật cung - cầu của thị trường chi phối, dù cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng không lấy gì đảm bảo hoạt động này sẽ không diễn ra và giảm tác động tiêu cực tới xã hội. Đổi lại, bệnh quản lý nhà nước kiểu "khó quản thì cấm" lại nhãn tiền./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cấm dịch vụ đòi nợ thuê khó khả thi?
Cấm dịch vụ đòi nợ thuê khó khả thi?

VOV.VN - Theo nhiều doanh nghiệp và luật sư, đề nghị này không phù hợp với luật định hiện nay và khó khả thi. 

Cấm dịch vụ đòi nợ thuê khó khả thi?

Cấm dịch vụ đòi nợ thuê khó khả thi?

VOV.VN - Theo nhiều doanh nghiệp và luật sư, đề nghị này không phù hợp với luật định hiện nay và khó khả thi. 

Vụ người đàn ông tử vong: 4 đối tượng bị tình nghi đòi nợ thuê
Vụ người đàn ông tử vong: 4 đối tượng bị tình nghi đòi nợ thuê

VOV.VN - 4 nghi phạm vừa bị khởi tố, bắt tạm giam do bị tình nghi liên quan đến việc đòi nợ thuê.

Vụ người đàn ông tử vong: 4 đối tượng bị tình nghi đòi nợ thuê

Vụ người đàn ông tử vong: 4 đối tượng bị tình nghi đòi nợ thuê

VOV.VN - 4 nghi phạm vừa bị khởi tố, bắt tạm giam do bị tình nghi liên quan đến việc đòi nợ thuê.

Phải xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen”, xã hội đen đòi nợ thuê
Phải xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen”, xã hội đen đòi nợ thuê

VOV.VN - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý đến nơi đến chốn tình trạng tín dụng đen, xã hội đen đòi nợ thuê...

Phải xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen”, xã hội đen đòi nợ thuê

Phải xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen”, xã hội đen đòi nợ thuê

VOV.VN - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý đến nơi đến chốn tình trạng tín dụng đen, xã hội đen đòi nợ thuê...