Kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ là văn minh, sao lại cấm?

VOV.VN - Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, dịch vụ thu hồi nợ cũng là một dịch vụ của cơ chế thị trường. Nếu đưa vào cấm thì không hợp lý.

Sáng 15/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). Liên quan đến quy định bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đại biểu đoàn Lai Châu cho rằng, về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đúng là thời gian qua có chuyện một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách này để thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến hoạt động trật tự an toàn xã hội. Cụ thể như biến tướng của tín dụng đen.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

“Cái đó rõ ràng chúng ta phải nghiêm trị, nhưng dịch vụ đòi nợ cũng là một dịch vụ của cơ chế thị trường. Nếu đưa vào cấm, thì lại là không hợp lý, bởi vì việc quan hệ kinh doanh ngày một nhiều, dẫn đến nợ nần là chuyện bình thường. Người ta không thể nào có thời gian để tự đi đòi nợ mà cần thông qua một tổ chức hợp pháp để thu hồi nợ. Đấy là một giải pháp văn minh”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ.

“Cái cần chống là sự lợi dụng, biến tướng của hình thức kinh doanh này. Theo tôi, chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta đừng thấy một vài vụ việc xảy ra, rồi không nhìn toàn cục mà chuyển từ thái cực này sang hẳn thái cực khác”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TPHCM) cho rằng, trong thực tiễn cuộc sống dịch vụ này được đánh giá tốt, vì là đơn vị trung gian giúp đi đòi nợ. Vấn đề quan trọng nhất là dịch vụ này không được đi theo hướng xấu, không làm trái pháp luật.

Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TPHCM).

“Các nghị định, thông tư liên quan cũng đã quy định rõ việc tổ chức các dịch vụ, nếu làm đúng theo các quy định này thì không có vấn đề gì cả. Theo tôi, dịch vụ này tốt vì có đơn vị trung gian giúp đi đòi nợ, nếu sợ xảy ra trường hợp vi phạm pháp luật thì có chính quyền địa phương, công an địa phương, tổ dân phố làm chứng thì sẽ hạn chế vi phạm xảy ra” – đại biểu nói và nhấn mạnh nếu cấm dịch vụ này thì vi hiến.

“Quan trọng là chúng ta phải thực hiện đúng theo quy định pháp luật liên quan thay vì cấm nó” – đại biểu Phạm Phú Quốc nhấn mạnh.

Cần quy định chặt chẽ và tăng cường quản lý

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào là một hoạt động cấm kinh doanh, tức là hạn chế quyền con người, hạn chế quyền tự do kinh doanh. Nếu là một vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền tự do kinh doanh, khi đưa vào hạn chế thì cần phải có báo cáo đánh giá tác động rất cụ thể. Tuy nhiên, trong hồ sơ Dự án luật thì không thấy có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, đề cập cụ thể về việc bỏ các quyền tự do kinh doanh.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng, nhiều nước trên thế giới cũng có loại hình dịch vụ này. Mô hình này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống và cũng phù hợp với nhu cầu thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vừa qua có rất nhiều bất cập xảy ra. “Cần phải đánh giá rõ bất cập xảy ra là do đâu, có phải do quản lý chưa tốt hay do những quy định còn lỏng lẻo, chưa phù hợp, sát với thực tiễn hay không, chưa chặt chẽ hay không và có phải là do việc lạm dụng những quy định của pháp luật và xử lý việc lạm dụng đó là không nghiêm, dẫn đến những hạn chế bất cập như vậy”- đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu.

Vị đại biểu đoàn Quảng Bình cho biết, khi có đánh giá cụ thể được những vấn đề như vậy thì mới đề xuất là nên bỏ hay nên sửa đổi các quy định của pháp luật để làm sao quy định chặt chẽ hơn loại hình về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu bỏ thì hàng loạt các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật sẽ xử lý loại hình này như thế nào để bảo đảm quyền lợi của họ.

“Tôi cho rằng không nên bỏ loại hình này mà nên có quy định chặt chẽ hơn và tăng cường hơn nữa sự quản lý đối với loại hình này. Đồng thời, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”- đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ý kiến khác nhau về cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Ý kiến khác nhau về cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

VOV.VN - Chính phủ đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” trong Luật Đầu tư (sửa đổi). Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra không đồng tình với quy định này.

Ý kiến khác nhau về cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Ý kiến khác nhau về cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

VOV.VN - Chính phủ đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” trong Luật Đầu tư (sửa đổi). Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra không đồng tình với quy định này.

Không nên khó quản thì cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Không nên khó quản thì cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

VOV.VN - Dự Luật Đầu tư (sửa đổi) đề xuất đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm kinh doanh thì nhiều cơ quan đã tranh luận trái chiều về vấn đề này.

Không nên khó quản thì cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Không nên khó quản thì cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

VOV.VN - Dự Luật Đầu tư (sửa đổi) đề xuất đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm kinh doanh thì nhiều cơ quan đã tranh luận trái chiều về vấn đề này.

Biến tướng đáng sợ của kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Biến tướng đáng sợ của kinh doanh dịch vụ đòi nợ

VOV.VN - Là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng hoạt động của dịch vụ đòi nợ của đa số các công ty đòi nợ lại đang biến tướng, bất chấp pháp luật...

Biến tướng đáng sợ của kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Biến tướng đáng sợ của kinh doanh dịch vụ đòi nợ

VOV.VN - Là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng hoạt động của dịch vụ đòi nợ của đa số các công ty đòi nợ lại đang biến tướng, bất chấp pháp luật...