Kinh doanh nước sinh hoạt: Cần có những điều kiện khắt khe

VOV.VN - Khi nhà cung cấp chỉ hướng tới việc thúc đẩy gia tăng lợi nhuận sẽ rất cần có vai trò can thiệp của Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích.

Đầu tháng 10/2019, nguồn nước mặt của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) bị nhiễm dầu thải đã làm ảnh hưởng đến hàng vạn hộ dân, cuộc sống của hàng triệu người Hà Nội bị đảo lộn. Nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt khi đó thực sự là cuộc khủng hoảng, gây hoang mang cho toàn xã hội.

 Giờ đây, sự cố đã được giải quyết và việc cấp nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô đã trở lại bình thường. Cơ quan chức năng đã bắt giữ các thủ phạm đổ dầu thải và ra quyết định khởi tố vụ án. Lãnh đạo Công ty nước sạch sông Đà cũng đã mất chức vì sự vô trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành gây ra hậu quả lớn.

 Nhưng khi nhìn lại sự cố này, vẫn thấy một lỗ hổng rất lớn trong trong quá trình quản lý khai thác, vận chuyển, cung cấp nước sạch cho người dân. Từ sự cố cũng đã bộc lộ sự yếu kém và tắc trách của các cấp chính quyền, không chỉ ở Hà Nội mà còn của cả hệ thống các cơ quan có trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương.

Sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà năm 2019 không chỉ là bài học cho Hà Nội, Hòa Bình…, mà là bài học chung cho các địa phương cả nước.

Thực tế cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các đơn vị sản xuất nước sạch chưa thực sự quan tâm đến cấp nước an toàn, khi xảy ra sự cố còn lúng túng, đổ lỗi trách nhiệm, vấn đề pháp lý còn nhiều lỗ hổng trong việc tiến hành kiểm tra chất lượng nước dễ dẫn tới khả năng mất kiểm soát.

Ths. Nguyễn Trọng Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cho biết, theo quy chuẩn của Bộ Y tế, chất lượng nước sạch được quản lý dựa trên 109 chỉ tiêu, trong đó có những nhóm chỉ tiêu phải được kiểm tra hàng ngày.

Nhưng trên thực tế, trong quá trình vận chuyển và phân phối, có những khoảng thời gian nguồn nước không hề được kiểm tra, các đơn vị tiếp nhận nước nhưng không có xử lý hay kiểm tra chất lượng nước trừ phi có khiếu nại của khách hàng.

“Rõ ràng ở đây là dự quản lý lỏng lẻo và quá trình quan trắc chất lượng nước còn khá hạn chế, nhất là khi việc kiểm tra chất lượng nước phải được thực hiện bằng một quá trình tốn kém. Do đó, các đơn vị đấu nối, tiếp nhận nguồn nước cấp cho người dân rất ít chủ động kiểm tra chất lượng nước”, Ths. Nguyễn Trọng Dương cảnh báo.

Ở góc độ pháp lý, LS. Trương Xuân Hải - Giám đốc Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, công tác khai thác, bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước hiện được giao cho DN và nhà nước có trách nhiệm phối hợp. Nhưng khi bùng phát vấn đề hệ trọng, có liên quan đến sức khỏe tính mạng người dân, nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, còn DN sẽ ở vị trí phối hợp.

Mặt khác, trong xu thế cổ phần hóa, nhiều DN chỉ chú trọng đến kinh doanh, cắt giảm các chi phí để tăng lợi nhuận mà coi nhẹ vai trò của khách hàng và trách nhiệm xã hội. Do đó, cổ phần hóa DN hoạt động trong dịch vụ công cần giữ vai trò chi phối của nhà nước, DN công ích phải lấy việc phục vụ người dân là chính, chú trọng hàng đầu đến chất lượng.

“Qua sự cố nước sạch tại Hà Nội đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, điều này đòi hỏi Hà Nội phải xây dựng chiến lược ứng phó, có các biện pháp thay thế, xây dựng thêm các nguồn dự phòng để đảm bảo cuộc sống ổn định, chất lượng cho người dân. Đặc biệt, bất cứ sự cố nào cũng sẽ trở nên nghiêm trọng khi cả DN và cơ quan nhà nước không cung cấp kịp thời thông tin chính xác cho người dân”, LS. Trương Xuân Hải chỉ rõ.

Kinh doanh nước là ngành kinh doanh có điều kiện

PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng khẳng định, bài học qua sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà tại Hà Nội cho thấy thể chế vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xem xét bổ sung những nội dung liên quan đến vấn đề quản lý, đặc biệt là phối hợp quản lý rủi ro giữa các cơ quan, chính quyền các địa phương trong vấn đề cấp nước mang tính chất liên vùng khi có các sự cố xảy ra để phối hợp cùng giải quyết.

Các đơn vị cung cấp nước qua sự việc này cũng cần phải rút kinh nghiệm, tăng cường công tác kiểm tra giám sát bảo đảm cấp nước an toàn và chất lượng nước cung cấp cho người dân; thông báo kịp thời những sự cố, các vấn đề về chất lượng nước cho người dân được biết, làm tăng thêm tính minh bạch trong sản xuất.

Đặc biệt, quá trình sản xuất, cung cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh, chính vì vậy cần phải có các điều kiện kinh doanh bắt buộc. Chính vì thế trong Dự thảo Sửa đổi Luật đầu tư sắp tới, nên đưa ngành sản xuất cung cấp nước sạch là ngành kinh doanh có điều kiện.

“Cần xây dựng và ban hành Luật Sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành cũng như giá nước phải có cam kết ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn và quản lý rủi ro. Tiếp sau đó cần có sự phân công, phân cấp quản lý, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đơn vị cấp nước trong xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cấp nước liên vùng, liên tỉnh”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến nêu rõ.

Con người có thể thiếu nhiều thứ, nhưng nước sạch thì không vì nó là sự sống. Vẫn biết DN nào cũng muốn hoạt động để gia tăng lợi nhuận, nhưng chạy theo lợi nhuận để bất chấp pháp luật để kinh doanh không có đạo đức, vô cảm với tính mạng của người dân là hành động đáng lên án. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến sự tồn vong của chính mỗi DN.

Và từ sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà không chỉ là bài học cho Hà Nội, Hòa Bình…, mà là bài học chung cho các địa phương cả nước trong việc tham tra, kiểm tra, giám sát các DN kinh doanh nước sạch. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong việc siết lại quy trình kiểm soát, phòng ngừa những sự cố tương tự có nguy cơ xảy ra trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vụ nước sạch sông Đà: Dịch vụ công cần có đạo luật để kiểm soát
Vụ nước sạch sông Đà: Dịch vụ công cần có đạo luật để kiểm soát

VOV.VN - Nhà nước cần nhanh chóng lấp khoảng trống về mặt pháp lý, chính xác là phải có đạo Luật về dịch vụ công như điện, nước, y tế…

Vụ nước sạch sông Đà: Dịch vụ công cần có đạo luật để kiểm soát

Vụ nước sạch sông Đà: Dịch vụ công cần có đạo luật để kiểm soát

VOV.VN - Nhà nước cần nhanh chóng lấp khoảng trống về mặt pháp lý, chính xác là phải có đạo Luật về dịch vụ công như điện, nước, y tế…

Vụ nước sạch Sông Đà: Người Hà Nội có “con kiến kiện củ khoai”?
Vụ nước sạch Sông Đà: Người Hà Nội có “con kiến kiện củ khoai”?

VOV.VN - Cuộc sống của người dân Hà Nội bị xáo trộn và ai cũng phải lo sợ trước việc nguồn nước, nguồn sống của mình lại dễ dàng bị “đầu độc” như vậy.

Vụ nước sạch Sông Đà: Người Hà Nội có “con kiến kiện củ khoai”?

Vụ nước sạch Sông Đà: Người Hà Nội có “con kiến kiện củ khoai”?

VOV.VN - Cuộc sống của người dân Hà Nội bị xáo trộn và ai cũng phải lo sợ trước việc nguồn nước, nguồn sống của mình lại dễ dàng bị “đầu độc” như vậy.

Hà Nội sẽ lắp đặt trạm quan trắc giám sát chất lượng nước sông Đà
Hà Nội sẽ lắp đặt trạm quan trắc giám sát chất lượng nước sông Đà

VOV.VN - Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, Thành phố Hà Nội sẽ đặt trạm quan trắc để giám sát theo dõi cảnh báo từ nguồn nước thô cho đến phân phối.

Hà Nội sẽ lắp đặt trạm quan trắc giám sát chất lượng nước sông Đà

Hà Nội sẽ lắp đặt trạm quan trắc giám sát chất lượng nước sông Đà

VOV.VN - Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, Thành phố Hà Nội sẽ đặt trạm quan trắc để giám sát theo dõi cảnh báo từ nguồn nước thô cho đến phân phối.