Kinh nghiệm quản lý, phát triển khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng
VOV.VN - Hôm nay (3/11), tại TP.Hải Phòng diễn ra hội thảo “Kinh nghiệm quản lý, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng”, với sự tham dự của Bộ Kế hoạch Đầu tư và đại diện các khu công nghiệp, khu kinh tế của 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.
Đại diện các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đã chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển KCN, KKT, thu hút đầu tư và thảo luận những điểm mới trong Nghị định 35 ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
Theo các đại biểu, Nghị định 35 được coi là bước đột phá về cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, khơi thông phát triển các KCN, KKT; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, quy hoạch phát triển khu công nghiệp trong Nghị định 82 năm 2018 của Chính phủ hiện được thay thế bằng Phương hướng phát triển khu công nghiệp trong quy hoạch vùng và Phương án phát triển khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh.
Song, trên thực tế, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng hiện mới phê duyệt nhiệm vụ ngày 19/4/2022 (theo Quyết định số 492 của Thủ tướng Chính phủ); quy hoạch cấp tỉnh của các địa phương hầu hết hiện chưa được thẩm định, phê duyệt. Nghị định cũng 35 quy định khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN, các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để cho người lao động thuê, mua lại, nhưng Luật Nhà ở lại quy định chỉ được bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội cho các đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân, không có đối tượng là tổ chức. Do đó, các doanh nghiệp vẫn chưa có cơ hội tiếp cận theo hình thức này để bố trí nhà ở cho công nhân, lao động.
"Liên quan đến nhà ở cho công nhân, người lao động, với Hà Nội hiện cũng là một khó khăn. Trước đây, nhà ở cho công nhân, người lao động tại Hà Nội gần như là không có; chỉ duy nhất khu Thăng Long có nhà ở cho công nhân, lao động, trước đây được TP.Hà Nội đầu tư xây dựng theo hướng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các khu cũ gần như không có quỹ đất. Hiện Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành rà soát, xây dựng các nhà ở, thiết chế văn hoá cho người lao động theo đúng quy định của Nghị định 35; thành lập một chương trình phát triển riêng về nhà ở xã hội cho người lao động gắn với quy hoạch khu vực có phát triển công nghiệp", ông Nguyễn Hoài Nam – Phó trưởng ban quản lý KCN và chế xuất Hà Nội nêu thực tế tại địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mặc dù tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, dòng vốn đầu tư nước ngoài thu hẹp, thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta trong 11 tháng đạt trên 25 tỷ USD. Khu vực đồng bằng sông Hồng luôn đóng góp quan trọng vào thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước, với 33% số dự án và trên 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Trong số 10 tỉnh, thành thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước thì có tới 3 địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Ông Vũ Văn Chung nhấn mạnh, thời gian tới, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng cần đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ nhau để phát triển mạnh mẽ và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta bắt đầu thực hiện Nghị quyết 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Nghị quyết đặt ra là GDP của khu vực đồng bằng sông Hồng phải đạt khoảng 9%/năm và quy mô phải tăng 3 lần so với năm 2020. Điều đó để thực hiện vai trò của chúng ta rất quan trọng trong vấn đề thu hút nguồn lực, trong đó có nguồn lực trong nước và nước ngoài. Chúng ta cần phải có sự liên kết giữa các địa phương, tránh việc chồng chéo, tránh việc có thể làm bất lợi cho quá trình thu hút đầu tư vào Việt Nam nói chung cũng như cho từng tỉnh”, ông Vũ Văn Chung nêu rõ./.