Kinh tế 2013: khai thác hiệu quả cái đã có cho tăng trưởng
(VOV) - Vấn đề không phải là đầu tư mới bao nhiêu để có tăng trưởng mà là tận dụng cái hiện có nhưng chưa khai thác hết.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng. Theo đó, 9 tháng tăng trưởng kinh tế đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, thấp hơn kế hoạch nhưng quý sau cao hơn quý trước, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn. "Đây là những dấu hiệu tích cực để phát triển bền vững trong thời gian tới” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Từ kết quả này, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét các chỉ tiêu kinh tế cho năm 2013 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.
Cân nhắc kỹ các chỉ tiêu
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng, các chỉ tiêu, kế hoạch 2013 mà Chính phủ đưa ra đã cân đối kỹ tình hình. “Ví dụ, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay là 5,2% mục tiêu năm 2013 là 5,5%. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có những biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi niềm tin thị trường và ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp giải thể hoặc ngưng hoạt động”.
Vì theo tính toán của các chuyên gia, được ông Trần Du Lịch đưa ra để chứng minh cho quan điểm của mình, thì nền kinh tế đang ở trong tình trạng tiềm năng tăng trưởng còn khá cao do máy móc, công suất thiết bị đầu tư trước đây chưa khai thác, tận dụng hết. Nếu chúng ta có biện pháp để khai thác cái đã đầu tư, chứ chưa cần đầu tư mới, thì đã có thể tận dụng được rất nhiều rồi. Vấn đề bây giờ không phải là đầu tư mới bao nhiêu để có tăng trưởng mà là khai thác hiệu quả cái đã có cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Lịch, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8% cũng có thể đạt được nếu không quá vội vã thực hiện tăng giá một số mặt hàng hoặc cẩn thận với các biện pháp gây biến động tâm lý thị trường, ví dụ như việc quản lý thị trường vàng.
Còn ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài Chính Quốc gia cũng chia sẻ: Thu ngân sách của ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do kế hoạch tăng trưởng kinh tế đặt ra đầu năm là 6-6,5% nhưng thực hiện được thấp (khoảng 5,2%). Dự kiến đến 2013 kinh tế tiếp tục khó khăn. “Tăng trưởng không được cao như kỳ vọng thì các DN sẽ khó khăn, nguồn thu khó khăn, kéo theo ảnh hưởng đến chi ngân sách” – ông Ngoạn nói.
Bên cạnh đó, theo ông Ngoạn, tổng cầu hiện nay rất thấp, tăng trưởng kinh tế thấp một phần do tổng cầu thấp. Bây giờ cần làm thế nào để “sưởi ấm” cầu đầu tư, tiêu dùng lên. “Số liệu 2012 đã thấy chi đầu trư đã giảm đi khá nhiều so với nhiều năm trước. Để giải quyết bài toán khó khăn cho DN, qua đó thúc đẩy tăng trưởng phát triển được thì phải làm thế nào để tăng tổng cầu. Một trong các chính sách tài khóa cần được mở rộng hơn, tức là phải tăng chi đầu tư phát triển. Nhưng rất khó là trong điều kiện nguồn thu như vậy thì Chính phủ đã rất cố gắng trong bố trí kế hoạch năm 2013” – ông Ngoạn nói.
Tuy nhiên, hiện có quan điểm là trong điều kiện chúng ta chưa tái cơ cấu DN, TCC kinh tế thì việc tăng chi đầu tư phát triển thì có thể gây lãng phí. Theo ông Ngoạn, có lẽ đây là câu chuyện về “con gà, quả trứng”, chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải tiến hành song song, bên cạnh việc tái cơ cấu DN để làm thế nào việc sử dụng vốn của NN được hiệu quả hơn. Chúng ta phải song hành, tiếp tục xem xét, mở rộng chính sách tài khóa trong phạm vi có thể để đảm bảo tăng tổng cầu nền kinh tế lên.
Ông Ngoạn cũng bày tỏ đồng tình với giải pháp chính phủ đưa ra là phát hành trái phiếu công trình. Vì đây là cách làm mang lại hiệu ứng lan tỏa nhanh nhất, đảm bảo hiệu quả, tránh được lãng phí.
Đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2012, Chính phủ đã bàn tới dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ sở hữu đối với DNNN. Theo đó, giới hạn và chấm dứt chủ trương mở rộng thí điểm đối với các tập đoàn kinh tế và hoàn thiện cơ chế về vai trò của người đại diện chủ sở hữu. Nội dung này được nhiều đại biểu Quốc hội hưởng ứng.
Ngoài ra, Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị đối với việc tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế cũng như tái cơ cấu nền kinh tế cần có Ủy ban quốc gia do Thủ tướng đứng đầu, liên ngành để giải quyết đồng bộ và kịp thời những biện pháp mạnh mẽ. Nếu giao cho các bộ, ngành kể cả DN làm cục bộ thì kết quả sẽ hạn chế.
Hiến kế cho năm 2013, theo ông Trần Du Lịch, bên cạnh những giải pháp ngắn hạn thì cần tập trung vào 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu. Trong đó, về ngắn hạn tập trung tạo dựng niềm tin thị trường, tháo gỡ nợ xấu, xử lý vốn cho DN, kích thích sức mua thông qua tín dụng tiêu dùng. Về thuế, tiếp tục thực hiện ưu đãi thuế và sử dụng đất. Trong dài hạn, để thúc đẩy kinh tế thì thúc đẩy kế hoạch 3 năm (2013 - 2015) chứ không thực hiện kế hoạch ăn “đong” từng năm.
Phân tích rõ hơn, theo ông Vũ Viết Ngoạn, dự thảo Nghị định của CP về phân quyền đại diện chủ sở hữu NN đã phân quyền rõ ràng hơn. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc DNNN vẫn còn nhiều việc phải làm. Bây giờ mới chỉ là bước đầu và vừa qua chúng ta mới làm được một số việc là xác định, phân định rõ giới hạn, phạm vi hoạt động của các TCT. Thứ hai là phân định quyền chủ sở hữu cho rõ hơn, phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay. Ông Vũ Viết Ngoạn cũng đặc biệt nhấn mạnh đến những chuẩn mực an toàn trong hoạt động của các tập đoàn, TCT. Bất cứ định chế nào cũng phải trong khuôn khổ của chuẩn an toàn (hay nói cách khác là quản lý rủi ro) ở qui mô rộng và ở từng DN. “Tất cả những điều này phải có qui định rõ ràng hơn và chúng ta phải đi sâu vào qui chế an toàn” – ông Ngoạn nói.
Năm 2012 đã nỗ lực đạt mục tiêu
Nhìn lại các kết quả đạt được 9 tháng năm 2012, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình), cho rằng: Trong tình hình hiện nay, mức tăng trưởng cả năm xác định như vậy là phù hợp với tình hình xuất khẩu, đầu tư. Chúng ta không cố đẩy tăng trưởng lên vì chất lượng tăng trưởng như hiện nay còn có vấn đề, yêu cầu kiểm soát lạm phát cũng rất nặng nề, nếu cố sức thì hậu quả sẽ rất lớn. Nếu tăng mà là tăng ảo bằng việc bơm vốn vào các công trình để lấy kết quả mà không có hiệu quả thì sẽ làm cho mất mát sẽ nhiều hơn. Quý III tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,35% nên việc quý IV phải đạt 6,5% là áp lực rất lớn. “Chúng ta phải nỗ lực đạt mục tiêu này vì nếu tăng trưởng quá thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, đời sống của người dân” – đại biểu Cao Sỹ Kiêm nói.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, thành viên Chính phủ trước Quốc hội, cử tri. Vì đây chính là mục tiêu mà các bộ, ngành đó theo đuổi thực hiện. Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, “có cái đã được thực hiện, có cái không và cái không thực hiện được thì cũng có những lý do khách quan và chủ quan. Cần phải để các bộ trưởng trình bày trước quốc hội về việc thực hiện lời hứa, qua đó, quốc hội sẽ xem xét cái gì chấp nhận được, cái gì không chấp nhận được. Và Quốc hội sẽ yêu cầu các bộ trưởng tiếp tục thực hiện lời hứa của mình. Lúc đó thì mới sáng tỏ”.
Dẫn chứng cụ thể về lời hứa của Bộ trưởng Giao thông-Vận tải về việc giảm thuế phí, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, đã có cái thực hiện được, ví dụ thuế đánh vào ô tô là đã dừng lại, nhưng “phí dọc đường” thì chưa giải quyết được./.