Kinh tế đêm - còn nhiều dư địa khai thác và phát triển
VOV.VN - Việt Nam hiện có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa khai thác hết tiềm năng này để bứt phá phát triển "kinh tế đêm" trước yêu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch.
"Kinh tế đêm" là cách gọi một số ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ du khách về đêm. Hồng Kông, Thái Lan, Singapore... là những quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác tốt lĩnh vực này. Việt Nam hiện có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đêm, bao gồm: tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có dân số trẻ đông, cùng với mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao…Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa khai thác hết tiềm năng này để bứt phá phát triển "kinh tế đêm" trước yêu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch.
20h, tại phố Tạ Hiện, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ồn ào, tấp nập bởi tiếng nhạc xập xình, tiếng chào mời khách từ các hàng quán đan vào nhau không ngớt. Những cửa tiệm, quán bia vỉa hè nằm san sát nhau bày bán những món ngon vỉa hè đặc trưng của Hà Nội… Từng nhóm du khách trong và ngoài nước ngồi xen kẽ san sát, cùng nhau trò chuyện; tiếng cười nói nối tiếp nhau kéo dài cả con phố. Ngay lần đầu tiên đến với Hà Nội, chị Phạm Thị Ánh Hồng, một du khách người Huế muốn khám phá địa điểm đầu tiên là phố Tạ Hiện.
“Đến đây, tôi thấy không khí thật náo nhiệt, nhộn nhịp đông vui. Là một du khách làn đầu đến với Thủ đô nếu có thêm nhiều dịch vụ nữa thì càng tốt, để được thăm quan và được thưởng thức nhiều đăc sản của vùng miền”, chị Hồng nói.
Tạ Hiện là con phố sống về đêm độc đáo bậc nhất tại Hà Nội. Chỉ trong một dãy phố, hàng loạt các loại hình kinh doanh như quán ăn, quán bia, bar, cafe đa dạng để phục vụ mọi nhu cầu của du khách. Càng về đêm, khu phố càng trở nên nhộn nhịp.
“Khi trở lại trạng thái bình thường thì lượng khách về đây cũng hoạt động bình thường trở lại, đông hơn so với đợt trước. Trước ảnh hưởng từ dịch thì chỉ có 1-2 bàn, bây giờ 30 đến 40 bàn. Mong có các chính sách kinh tế về đêm thuận lợi hơn cho chúng tôi phát triển”, chị Nguyễn Thu Hiền, chủ một quán ăn trên phố cho biết.
Khoảng 5 năm trở lại đây, không chỉ phố Tạ Hiện, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) được đưa vào hoạt động góp phần làm chuyển biến mảng dịch vụ của thành phố nghìn năm tuổi. Du khách tới đây vào ban đêm không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp của Hà Nội về đêm mà còn được thưởng thức những món ngon phố cổ, mua những món quà lưu niệm và cảm nhận sự nồng hậu của người Tràng An. Nhờ vậy mà lượng du khách quốc tế lưu trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tăng nhanh.
Để đẩy mạnh và phục hồi phát triển du lịch, vừa qua Hà Nội đã có thêm hai không gian đi vào hoạt động là: không gian đi bộ Trịnh Công Sơn và không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã tạo hiệu ứng tốt. Thực tế, các loại hình kinh tế ban đêm phổ biến đã được triển khai ở một số thành phố lớn tại Việt Nam, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay tại đảo Phú Quốc… thể hiện ở mô hình các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng giải trí, như: Tạ Hiện, Bùi Viện, Bà Nà Hills… Kinh tế đêm ngoài đóng góp lớn về mặt kinh tế, còn tạo ra những bước chuyển lớn cho các ngành dịch vụ, du lịch trong nước, tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế, đặc biệt sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Với lợi thế của loại hình này là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền, kinh tế đêm nếu càng được đầu tư đa dạng và phong phú, thì càng có khả năng giữ chân được du khách.
Khẳng định tiềm năng phát triển kinh tế đêm là rất lớn, ông Ngô Quốc Vinh - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ lữ hành và sự kiện F bày tỏ: “Về kinh tế phát triển đêm tôi thấy rất hay, Việt Nam cũng như Hà Nội hiện giờ một số các tỉnh cũng đã làm phát triển về du lịch đêm, khám phá những nét ẩm thực và văn hóa. Thực ra ở nước ngoài, những khám phá, ẩm thực văn hóa và dịch đường phố đã có từ lâu rồi, ở nước ta mới phát triển một vài năm trở lại, tuy nhiên, tôi cho rằng, đây là đà để phát triển du lịch bền vững hơn”.
Mặc dù có những tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế đêm, song có thể nhìn thấy thực tế, hoạt động này vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế như hoạt động kinh doanh dịch vụ đến 2 giờ sáng là thời điểm dễ phát sinh các tệ nạn, ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực xung quanh; sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn, chưa đồng bộ… Do đó, cần chủ động rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế đêm.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải quy hoạch không gian xây dựng cho hoạt động về đêm một cách bài bản và nên thiết kế, xây dựng những sản phẩm du lịch về đêm phù hợp với từng thành phố.
“Chúng ta có thể tận dụng ngay các cơ sở lịch sử văn hóa để phát triển kinh tế ban đêm một cách rất tốt, đồng thời mang tính đặc sắc của từng địa điểm là từng địa phương phát triển kinh tế đêm. Cùng với đó, cần có hàng loạt các thay đổi về cơ chế chính sách về bảo vệ an ninh trật tự, về việc kết nối giao thông vận tải đầy đủ hết rõ ràng cái đó rất quan trọng. Về cơ sở vật chất trước hết là về quy hoạch vùng hoạt động kinh tế ban đêm có thể tách biệt hoặc ảnh hưởng ít nhất đến các khu dân cư, thì đây là cái mà cũng phải quy hoạch”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh tế ban đêm. Việc cần có một cơ chế, chính sách rõ ràng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế đêm nhằm tạo giá trị thặng dư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới./.