Kinh tế nền tảng số - “Chìa khóa vàng” cho các DN Việt chuyển đổi số

VOV.VN - Việc chuyển đổi số sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các DN bứt phá, để phát triển kinh tế số trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều biến động khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ… không ít doanh nghiệp (DN) cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 cũng nặng nề như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong “nguy có cơ” và việc chuyển đổi số sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bứt phá, để phát triển kinh tế số trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều ngành nhiều doanh nghiệp đã thay đổi phương thức hoạt động bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, để mọi người vẫn có thể làm việc một cách bình thường. Sự thay đổi này được gọi là chuyển đổi số, có thể tạo nên sự thay đổi mang tính toàn diện ở tất các lĩnh vực, trong từng doanh nghiệp, từng tổ chức, cho đến từng cá nhân.

Kinh tế nền tảng số được coi là “chìa khóa vàng” cho các DN Việt chuyển đổi số. (Ảnh minh họa: KT)

Trong quá trình chuyển đổi số, nhiều mô hình kinh tế chia sẻ đã phát triển nhanh, tạo nên sự đột phá về năng suất lao động, cải thiện năng lực quản trị, tối ưu hóa mô hình kinh doanh. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, trong lúc nhiều người mất việc, thất nghiệp tạm thời, thì các mô hình kinh tế nền tảng số vẫn đứng vững, thậm chí vẫn phát triển không ngừng.

“Trong đại dịch Covid-19, đa phần mọi người sẽ ở nhà làm việc. Nền tảng thì cũng không phải là mới, nhưng cơ bản khác biệt so truyền thống là đã tận dụng được sức mạnh công nghệ. Công nghệ giúp Công ty phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn. Ví dụ như mô hình của AhaMove, trong vòng 4 năm đã tăng gấp khoảng vài chục lần. Đây là bức tranh công nghệ nền tảng tác động rất nhiều vào nền kinh tế, đã tạo ra những lao động mới”, ông Nguyễn Xuân Trường - cựu Giám đốc Dịch vụ chuyển tiền Momo, đồng sáng lập AhaMove chia sẻ.

Kinh tế nền tảng số với những mô hình ứng dụng công nghệ để có thể kết nối mọi người có nhu cầu với người dư thừa nguồn lực, đã đem tới nhiều cơ hội thay đổi công việc cho người lao động. Ví dụ, chỉ cần 1 chiếc xe máy và điện thoại di động có thể kết nối các ứng dụng như Grab, Be, GoViet, Ahamove,… một người lao động có thể lựa chọn công việc phù hợp với họ: giao hàng, chở khách… Nếu mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành có thể lựa chọn những mô hình kinh tế nền tảng số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh… thì đó chính là sự chuyển đổi số toàn diện.

“Chuyển đổi số sẽ là một cơ hội cho Việt Nam. Vấn đề là chúng ta có nắm bắt cơ hội đó hay không? Chuyển đổi số trước tiên là phải tạo ra con người trong xã hội số. Thứ hai là tạo thành một xã hội mà phương thức hoạt động của nó là trên môi trường số. Thứ ba là hạ tầng số. Cuối cùng là kinh tế số. Chúng ta phải nhanh chóng chuyển đổi số, để chúng ta phát triển kinh tế”, Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay.

Theo nghiên cứu của Hãng Temasek, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 là khoảng 25% và dự đoán trong năm sau có thể lên tới là 60%. Chuyển đổi số cũng giúp tăng năng suất lao động, dự kiến ở mức 20% trong năm nay. Chuyển đổi số sẽ đem tới nhiều thời cơ, để các nước phát triển có thể vượt lên. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt nhất những mô hình kinh tế nền tảng số, để có phát triển bứt phá, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số mạnh mẽ hơn, phấn đấu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 như mục tiêu đề ra trong Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên