Kinh tế tập thể phát triển còn èo uột, chưa xứng với tiềm năng
VOV.VN - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, là thành phần kinh tế quan trọng nhưng khu vực kinh tế tập thể phát triển còn èo uột, chưa xứng với tiềm năng.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019 ngày 14/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng.
Hiện cả nước có 22.649 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động; trong đó có 13.712 hợp tác xã nông nghiệp, hơn 9.000 hợp tác xã phi nông nghiệp... Các hợp tác xã đang đóng góp 10% GDP của cả nước, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2,5 triệu người…
Song, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thẳng thắn chỉ ra sự thiếu quan tâm, coi trọng khu vực kinh tế tập thể và nhận thức thiếu đầy đủ của các bộ ngành, địa phương khiến cho khu vực này phát triển èo uột và chưa xứng với tiềm năng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (Ảnh: Lê Tiên) |
Để thúc đẩy phát triển HTX, Phó Thủ tướng cho rằng đây là loại hình kinh tế đặc biệt, không chỉ là kinh tế đơn thuần mà còn liên quan đến kinh tế nông nghiệp, tam nông, chất lượng, đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể... Do đó, cần có giải pháp tăng cường thống nhất nhận thức trong phát triển kinh tế tập thể.
Phó Thủ tướng yêu cầu trung xử lý vướng mắc, như nhiều trường hợp HTX nông nghiệp đã ở tình trạng giải thể, phá sản nhưng không thể giải thể được, nguyên nhân do tồn đọng các khoản nợ... Bên cạnh đó, cần tập trung giải pháp về chính sách để chính sách tiệm cận theo nguyên tắc thị trường, tránh nhà nước buông lỏng nhưng cũng tránh xu hướng chờ đợi nhà nước mà không có chủ động, tự lực vươn lên.
Trình bày Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, việc quán triệt Nghị quyết được triển khai sâu rộng, công tác thể chế hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các hiệp hội, đoàn thế.
Theo Bộ trưởng Dũng, sau 15 năm triển khai Nghị quyết và hơn 7 năm kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được thông qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, số HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 55% trong tổng số HTX nông nghiệp, khoảng 50%-80% trong tổng số HTX phi nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ một số tồn tại, khó khăn, hạn chế trong quá trình triến khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh tới công tác thực thi pháp luật về HTX chưa thực sự đi vào cuộc sống, công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa thực sự hiệu quả, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT còn chậm, chưa xứng với tiềm năng... Mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu.
Kinh tế tập thể vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. (Ảnh minh họa) |
Nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là do các cấp, các ngành còn chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dụng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển; Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thống nhất về tinh thần của Nghị quyết…
Công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng, còn tồn tại tâm lý ngại đổi mới, năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực…, Bộ trưởng phân tích thêm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Nâng cao nhận thức về về bản chất, vai trò của to chức KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT phù hợp; Hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về KTTT; Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội; Tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố; Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh./.