Kinh tế Trung Quốc chao đảo bởi dịch bệnh corona
VOV.VN - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch nCoV là một bài kiểm tra "sức khỏe" đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định, virus corona đã giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế Trung Quốc vốn đang lao đao vì hậu quả của thương chiến Mỹ - Trung và khoản nợ khổng lồ ngày càng phình to.
Chính quyền Trung Quốc đã và đang thực hiện hàng loạt biện pháp chống dịch bệnh do virus corona chủng mới (nCoV) gây ra, trong đó có lệnh cấm các tour du lịch trong và ngoài nước, phong tỏa thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - nơi nCoV bùng phát - và kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang rơi vào trạng thái tê liệt, đứng trước nguy cơ suy thoái, nặng nề hơn rất nhiều so với ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng xảy ra vào năm 2003.
Kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh do virus corona gây ra. (Ảnh minh họa: SCMP) |
Kinh tế bị tê liệt
2020 được cho là sẽ là quãng thời gian cực kỳ khó khăn đối với kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh cuộc khủng hoảng thương mại, quả bom nợ 40.000 tỷ USD của Trung Quốc đang ngày càng phình to. Các ngân hàng nông thôn Trung Quốc lao đao vì nợ tiêu dùng của người dân tăng vọt. Chính quyền siết chặt kiểm soát cho vay khiến các công ty tư nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Trước tình trạng kinh tế giảm tốc, Chính phủ Trung Quốc coi việc đảm bảo sự ổn định là ưu tiên hàng đầu. Do đó, dịch bệnh nCoV lây lan nhanh từ Vũ Hán đã thêm một cú shốc lớn đối với Trung Quốc vốn đã phải hứng chịu nhiều tổn thương vì thương chiến. Các hoạt động kinh tế trong nước bị ngưng trệ, xuất nhập khẩu điêu đứng, du lịch chững lại, cùng nhiều dịch vụ bị đóng cửa.
Đáng chú ý, các công ty sản xuất sử dụng nhiều lao động cũng đối mặt với tình trạng đáng báo động khi chính quyền nhiều địa phương hạn chế tụ tập đông người để ngăn chặn virus corona lây lan.
Dịch bệnh bùng phát cũng dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng đơn hàng, gây thiệt hại cho cả các ngành sản xuất công nghệ cao và những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi các doanh nghiệp lớn phải cắt giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí trượt đến bờ vực phá sản nếu tình hình không được cải thiện.
"Gã khổng lồ" công nghệ Apple tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng và văn phòng công ty tại Trung Quốc cho đến ngày 9/2. Điều này sẽ khiến công ty phải đối mặt với việc ngừng hoạt động các nhà máy sản xuất linh kiện cho các sản phẩm mà họ bán trên toàn thế giới.
Các nhà máy tại Trung Quốc lẽ ra sẽ chỉ ngưng nghỉ vài ngày trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng giờ thì những doanh nghiệp có nhà máy tại nước này đang phải xem xét tới kế hoạch đóng cửa nhà máy trong nhiều tuần. Đó là viễn cảnh mà các ông lớn sẽ không hài lòng vì nó sẽ đe dọa đến các kế hoạch sản xuất của Apple, cũng như Tesla và Anheuser-Busch InBev SA.
Hàng loạt các tên tuổi lón như McDonald và Starbucks cũng đóng hàng ngàn cửa hàng trên khắp đất nước, nhằm tuân thủ các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc.
"Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I/2020 có thể giảm xuống dưới 2%", nhà kinh tế Freya Beamish của Pantheon Macroeconomics nhận định.
Nhà kinh tế nổi tiếng Diana Choyleva của Enodo Economics cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào suy thoái do sức ép của dịch virus corona. "Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm mạnh trong nửa cuối năm ngoái, và năm nay sẽ còn khó khăn hơn nhiều... Tác động của dịch virus corona đối với nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với dịch SARS", bà Diana Choyleva nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa quyết định bơm khoảng 1.200 tỷ NDT (tương đương 174 tỷ USD) vào hệ thống tài chính nước này nhằm cứu vãn nền kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế nhận định các biện pháp này là chưa đủ để đưa nền kinh tế Trung Quốc phục hồi.
"Ngay cả với kịch bản lạc quan nhất là dịch bệnh được kiểm soát nhanh chóng và các hoạt động kinh tế sớm quay trở lại bình thường, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn cần phải cắt tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay”, chuyên gia kinh tế Hubert de Barochez thuộc Capital Economics lưu ý.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch nCoV đang được coi là một bài kiểm tra "sức khỏe" đối với nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời cũng là một "phép thử" cho toàn bộ hệ thống kinh tế toàn cầu./.