Kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm trong tháng 7
VOV.VN - Kinh tế thế giới phục hồi chậm lại cùng áp lực lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao đã khiến việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Kinh tế Trung Quốc bất ngờ phục hồi suy yếu trong tháng 7, mặc dù các đợt bùng phát Covid-19 mới trên toàn quốc tiếp tục gây sức ép lên chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 15/8 cho thấy, giá trị sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 7 chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ, giảm so với mức 3,9% trong tháng 6 và thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế quốc tế là khoảng 4,5%.
Tổng doanh thu bán lẻ tháng 7 cũng chỉ tăng 2,7%, giảm 0,4% so với tháng 6. Trong 7 tháng đầu năm, con số này đã giảm 0,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát toàn quốc giảm nhẹ xuống 5,4% trong tháng 7 từ mức 5,5% trong tháng 6, nhưng thất nghiệp trong thanh niên vẫn ở mức cao kỷ lục 19,9% trong tháng 7.
Đầu tư vào phát triển bất động sản ở Trung Quốc tiếp tục giảm trong 7 tháng qua. Theo Cục Thống kê Quốc gia nước này, đầu tư phát triển bất động sản đã giảm 6,4% từ tháng 1 đến tháng 7, nới rộng hơn mức giảm 5,4% trong 6 tháng đầu năm.
Phát biểu tại cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh cùng ngày, ông Phó Lăng Huy, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thừa nhận, từ tháng 7 dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi và hiện tượng nắng nóng ở miền Nam đã gây tác động xấu đến hoạt động của nền kinh tế. Bên cạnh đó, trong tháng 7, môi trường quốc tế cũng trở nên phức tạp và gay gắt hơn, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, áp lực lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao... đã khiến việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
“Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đà phục hồi kinh tế có phần chậm lại, vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để củng cố nền tảng cho sự phục hồi của nền kinh tế”, ông Huy nhấn mạnh.
Trung Quốc đang chứng kiến đợt nắng nóng có cường độ mạnh nhất trong 6 thập kỷ qua, đe dọa đến sản lượng lương thực và gây áp lực lên việc cung cấp điện ở hàng loạt địa phương. Trong khi đó, dịch bệnh bùng phát ở 17 tỉnh, thành đã khiến số ca nhiễm tăng cao nhất trong 3 tháng qua. Việc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại kéo dài nhằm xóa sổ Covid-19 khỏi cộng đồng, đã gây khó khăn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế nước này.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 15/8 đã bất ngờ thông báo giảm lãi suất chính sách chủ chốt lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022, nhằm vực dậy nền kinh tế giữa bối cảnh khủng hoảng bất động sản và nhiều đợt bùng phát dịch./.