Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong vòng 7 năm
VOV.VN - GDP quý I của Trung Quốc đạt gần 2.500 tỷ USD, tăng 6,7% nhưng thấp hơn 0,1% so với quý 4/2015 và là mức thấp nhất trong 7 năm qua.
Ngày 15/4, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố tình hình phát triển kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm nay cho thấy, kinh tế nước này trong 3 tháng qua chỉ tăng 6,7% - mức thấp kỷ lục trong vòng 7 năm qua.
Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: KT) |
Cùng với đó, hàng loạt chỉ số được công bố cho thấy kinh tế nước này đang đối mặt với nhiều khó khăn như kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 8,2%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,1%...
Theo các chuyên gia, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại là do tác động bởi đà phục hồi chậm của kinh tế thế giới, mậu dịch toàn cầu đang có sự điều chỉnh sâu sắc với việc xuất khẩu của các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và khối các nước BRICS đều sụt giảm mạnh.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn điều chỉnh kết cấu, coi trọng chất lượng tăng trưởng, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực phát sinh sau thời kỳ dài tăng trưởng “nóng”, các nhân tố chủ yếu cấu thành giá sản phẩm của các doanh nghiệp như lao động, đất đai, vốn vay hay phí môi trường... đều tăng cao, nhiều doanh nghiệp có xu hướng chuyển sản xuất ra nước ngoài…
Mặc dù đang đối mặt với áp lực giảm tăng trưởng rất lớn, nhưng theo Người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng ổn định trong giới hạn hợp lý: “Về tổng thể nền kinh tế vận hành ổn định, một số chỉ số chủ yếu có những chuyển biến tích cực, tốc độ kinh tế duy trì trong giới hạn hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần thấy rõ, kinh tế Trung Quốc đang trong gian đoạn điều chỉnh kết cấu, áp lực giảm tăng trưởng vẫn rất lớn”.
Theo đại diện Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, thời gian tới nước này sẽ tiếp tục kiên trì đảm bảo ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, linh hoạt trong chính sách vi mô, tiếp tục thúc đẩy cải cách kết cấu, điều chỉnh cơ cấu cung cầu theo hướng mở rộng nội nhu, đảm bảo cho kinh tế vận hành ở hạn hợp lý với tốc độ tương đối cao, tạo khởi đầu thuận lợi cho việc thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 13.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế, như tiếp tục phá giá đồng DNT để thúc đẩy xuất khẩu, đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra là từ 6,5% đến 7% cho cả năm nay./.