Kinh tế tư nhân - Đòn bẩy quan trọng của nền kinh tế
VOV.VN - Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội lớn nếu không thúc đẩy hơn nữa đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kinh tế tư nhân (KTNT) là một đòn bẩy quan trọng của nền kinh tế, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi trường kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động.
Chính phủ luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu trong khu vực tư nhân, Thủ tướng nêu rõ.
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển chưa lớn mạnh như kỳ vọng, trong đó nguyên nhân chính là thiếu vắng một hệ chính sách nhất quán phù hợp.
Kinh tế tư nhân được coi là đòn bẩy quan trọng của nền kinh tế. (Ảnh minh họa) |
Doanh nghiệp tư nhân cần được giúp sức để nắm bắt cơ hội
PGS.TS. Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định, sự méo mó các thiết chế nhà nước, cải cách kinh tế diễn ra theo hướng không tôn trọng các quy tắc của kinh tế thị trường, vận hành nền kinh tế chủ yếu dựa trên nền tảng quan hệ thân hữu, tham nhũng..., khiến DNTN không có môi trường tốt để phát triển.
Theo chuyên gia kinh tế, ở Việt Nam, khu vực tư nhân mới đóng góp khoảng 44% GDP. Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội lớn nếu không thúc đẩy hơn nữa đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng và là một trong ba trụ cột của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Huân, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng đứng trước cơ hội lớn học hỏi, đổi mới để phát triển mạnh hơn.
Để phát triển xứng đáng với tiềm năng và phát huy được hết những lợi thế của mình, ông Huân cho rằng, kinh tế tư nhân rất cần được giúp sức để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, giành lợi thế cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp không ngừng, góp phần xây dựng nền kinh tế nước nhà.
"Đảng và Nhà nước ta tiếp tục thực hiện nhất quán phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế. Được biết, năm 2019 Chính phủ sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương kiểm tra một số ngành, địa phương về việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tư nhân; tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân. Các cấp, các ngành, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi như về vốn, đất đai… để kinh tế tư nhân phát triển. Đây là cơ hội tuyệt vời về chính sách vĩ mô dành cho các doanh nghiệp tư nhân", ông Huân nêu rõ.
Bên cạnh những cơ hội to lớn, doanh nghiệp tư nhân cũng phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức, trong đó có những diễn biến phức tạp, khó lường từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Chủ nghĩa bảo hộ lan rộng bằng cách đánh thuế hàng nhập khẩu, thu hẹp hạn ngạch hay nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng, xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ thu hẹp thị trường xuất khẩu hoặc sẽ làm cho việc xuất khẩu trở nên khó khăn hơn. Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, biến động và mất giá của đồng Nhân dân tệ sẽ gây sức ép nhất định lên tỷ giá VND, làm cho chi phí sản xuất, xuất khẩu tăng cao do giảm các lợi thế so sánh. Sức ép về tỷ giá có thể tăng lãi suất tiền đồng làm tăng chi phí vốn cho các doanh nghiệp, ông Huân phân tích.
Bên cạnh đó, ông Huân cũng lưu ý: Các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu nhỏ, vừa và kinh tế hộ gia đình nên ít có cơ hội tiếp cận được nguồn lực nhất là đất đai và tài nguyên khác, do phần lớn nguồn lực nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước đang chậm được cổ phần hóa nên nguồn lực dành cho các doanh nghiệp tư nhân chậm được khai thông. Tổ chức sản xuất, kinh doanh nhỏ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, sức cạnh tranh yếu của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ dẫn đến bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi thực hiện gia nhập WTO hàng thập kỷ qua.
"Thời gian tới, tình trạng này vẫn khó được cải thiện trong bối cảnh cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, rộng hơn theo các cam kết trong những hiệp định FTA thế hệ mới. Sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều ngành, doanh nghiệp và sản phẩm của nước ta sẽ gặp khó khăn hơn", ông Huân đánh giá.
Những gì DNTN làm hiệu quả hơn Nhà nước thì để cho DNTN làm
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự đóng góp của những đầu tàu kinh tế tư nhân, khu vực năng động và linh hoạt của nền kinh tế trong một quốc gia khởi nghiệp, trở thành động lực quan trọng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên và duy nhất của Đông Nam Á cho biết, hàng năm kinh tế tư nhân đang tạo ra 1,2 triệu việc làm, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP. Chính phủ đã đưa thông điệp mạnh mẽ về một chính phủ kiến tạo, trong sạch, một chính phủ hành động với những động thái cởi mở về cơ chế, thể chế cho kinh tế tư nhân phát triển với hàng loạt các hoạt động.
Để thực sự trở thành một quốc gia kiến tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, bà Thảo cho rằng, từ chính phủ đến các cấp, ngành cần cùng chung nhận thức và hành động. Nữ doanh nhân cũng đưa ra nhiều đề xuất như tốc độ tái cơ cấu, và cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu khu vực ngân hàng cần đẩy nhanh hơn, để hạn chế gây ảnh hưởng tới tài chính vĩ mô, giảm triển vọng tăng trưởng. Cùng với đó, Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp, để khai thác tốt nguồn lực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất chất lượng trên toàn xã hội.
Bà Thảo cũng kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân được ứng xử bình đẳng, hướng tới xây dựng những tập đoàn tư nhân là đầu tàu cho chuỗi công nghiệp phụ trợ và niềm tin cho doanh nhân khởi nghiệp mang thương hiệu quốc gia…
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết, hiện có nhiều lĩnh vực, hoạt động kinh doanh doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ. Nếu xét thấy DNTN có thể làm tốt hơn thì nên giao lại cho họ làm để Nhà nước chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính là quản lý.
Ông Đoàn đánh giá, khu vực DNTN ngày càng tỏ ra có nội lực, năng động, linh hoạt và hoạt động hiệu quả hơn, hội nhập một cách nhanh chóng. DNTN Việt Nam có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt đã có nhiều DN vươn lên, từng bước tự xây dựng thương hiệu, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Đây cũng là một trong những khu vực doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cho Nhà nước.
Trong khi đó, các DNTN có nguồn lực không nhiều, các nguồn lực từ tài nguyên quốc gia vẫn chủ yếu đang nằm trong khối doanh nghiệp nhà nước. Doanh nhân Phạm Đình Đoàn kiến nghị, Nhà nước nên tiếp tục thay đổi quan điểm, hiện tại đang là "những gì DN tư nhân làm được thì để cho DN tư nhân làm", chuyển tiếp sang tư tưởng "những gì DN tư nhân làm hiệu quả hơn Nhà nước thì để cho DN tư nhân làm"./.
Mặc dù khu vực tư nhân có những bước tiến, song thực lực cơ bản vẫn là “nhỏ bé”, “manh mún” và “yếu kém”. Kinh tế tư nhân trong nước, về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới chỉ đóng góp chưa đến 10%.
DNTN dễ bị tổn thương: Số DN giải thể hoặc phải ngừng kinh doanh trong những năm gần đây là rất lớn (bình quân 60.000 - 80.000DN giải thể mỗi năm. Năm 2018, số lượng DN giải thể là hơn 90.000).