Kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh so với nền kinh tế mới nổi

Đó là kết luận của Ban Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng ANZ trong Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam và châu Á tháng 9/2009.

Theo Ban Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng ANZ: Với mục tiêu hồi sinh nền kinh tế bằng việc kích thích đầu tư và tiêu dùng, Việt Nam sẽ hồi phục và có thể hồi phục nhanh hơn so với một số nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự thâm hụt về tổng cầu đã khiến nền kinh tế được điều hành theo cơ chế mệnh lệnh. Các ngân hàng quốc doanh có thể phải cung cấp tín dụng theo chỉ đạo và doanh nghiệp quốc doanh phải là đơn vị thực thi kế hoạch sản xuất nhằm kích cầu nền kinh tế.

Bản báo cáo dẫn chứng: Kể từ khi triển khai kế hoạch kích thích tài chính hồi tháng 1/2009, Việt Nam đã 6 lần cắt giảm lãi suất cơ bản từ 14 xuống 7%; giảm tương ứng 1 và 2 điểm phần trăm với mức dự trữ bắt buộc bằng đồng VND và đồng ngoại tệ; nới rộng biên độ tỷ giá giữa đồng USD/VND lên +/-5% vào tháng 3/2009; hỗ trợ lãi suất 4% cho các khoản tín dụng hợp lệ đến hết ngày 31/12/09; áp dụng gia hạn và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp; tạm thời hoàn 90% thuế giá trị gia tăng cho một số sản phẩm xuất khẩu theo quy định.

Đồng thời với chính sách tài chính và tiền tệ, chính sách xã hội đã tiến xa hơn 1 bước bằng sự ra đời của “bảo hiểm thất nghiệp” tính từ ngày 1/1/2009. Rộng hơn nữa, Chính phủ chủ trương hỗ trợ những khoản vay không tính lãi dành cho các doanh nghiệp để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Kết quả là, so với năm 2008, tăng trưởng GDP từ 3,1% trong quý I/09 (mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ) đã vượt lên 4,5% trong quý II/09. Điều này đủ cơ sở để chứng tỏ, kinh tế Việt Nam đang dần vượt qua giai đoạn khó khăn và chính sách kích thích nền kinh tế đã phát huy tác dụng.

Tình hình sản xuất công nghiệp bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, tăng trưởng tháng 8 đạt 10,6% so với cùng kỳ năm 2008 và gấp hai lần so với mức tăng đầu năm 2009. Doanh thu bán lẻ thực tế gồm cả mua sắm gia đình và cho doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh, hiện đã vượt con số 20%. Rõ ràng, hoạt động thương mại nội địa đã được cải thiện đáng kể.

Theo điều tra của nhóm nghiên cứu, tỷ lệ lạm phát giảm từ mức đỉnh 27,9% vào tháng 9/2008 xuống còn 2% vào tháng 8/2009. Tuy nhiên, áp lực về giá lại bắt đầu leo thang. 3 tháng trở lại đây, chỉ số giá tiêu dùng tăng từ 1,25 - đến 1,5%, dao động trong khoảng từ 5 - 6%/năm. Và không chỉ dừng lại, từ giờ tới cuối năm, áp lực về giá sẽ còn tiếp diễn và kéo theo sự gia tăng lạm phát, đồng thời lãi suất thực cũng sẽ sụt giảm chóng mặt.

Mặc dù thời điểm tồi tệ nhất đã qua, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng thấp. Các lô hàng xuất cảng trong tháng 8 giảm 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng như gạo, đồ dệt may và linh kiện điện tử vẫn giữ được tỷ trọng xuất khẩu lớn. Lần đầu tiên sau 10 tháng liên tiếp, kim ngạch nhập khẩu tháng 8 bắt đầu tăng trưởng trở lại, đạt mức 5,1% so với cùng kỳ năm 2008. Linh kiện điện tử và hàng dược phẩm dẫn đầu trong các ngành hàng nhập khẩu, trong khi sản lượng nhập dầu và thép vẫn không đáng kể.

Thâm hụt thương mại xuất hiện ngày càng rõ. Từ chỗ thặng dư vào quý I/2009, nhập khẩu hồi phục trong khi xuất khẩu vẫn còn yếu kéo theo cán cân thương mại dường như xấu đi nhanh chóng. Riêng tháng 8, thâm hụt thương mại đạt 1,75 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 5/2008.

Không chỉ cán cân thương mại tiềm ẩn rủi ro lớn, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng đang suy giảm đáng kể. Theo nhận định của các chuyên gia, đây là sự xảy ra đồng thời đáng lo ngại, ảnh hưởng lớn tới sự hồi phục của nền kinh tế. Sau khủng hoảng tài chính, tổn thất về chỉ số niềm tin của các nhà đầu tư đã kéo theo việc giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 7 giảm xuống 4,6 tỷ USD tương đương với 22,5%, số vốn FDI cam kết năm nay cũng giảm chỉ còn khoảng 80%, xuống mức 10,1 tỷ USD.

Một số chuyên gia quản lý rủi ro dự đoán rằng: Chỉ số nợ của các ngành kinh tế công có thể sẽ tăng hơn 50% GDP và nếu Việt Nam chưa vượt qua được khủng hoảng kinh tế, thì áp dụng các chính sách kích cầu vẫn là việc làm cần thiết tại thời điểm này.

Báo cáo tổng kết rằng, dự cảm về khả năng hồi phục kinh tế của Việt Nam là rất rõ ràng, song còn quá nhiều thách thức vẫn đang ở trước mắt. Điều quan trọng là khắc phục những yếu điểm về tài chính của lĩnh vực công, củng cố niềm tin của giới đầu tư và dân chúng, đồng thời hiệu quả hơn nữa các giải pháp kích thích kinh tế từ phía Chính phủ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên