"Kinh tế Việt Nam năm 2024 hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%"
VOV.VN - TS. Cấn Văn Lực cho rằng, với các giải pháp Chính phủ đưa ra, kinh tế Việt Nam năm 2024 hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%.
Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2024 của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách đưa ra có tới 10 điểm nổi bật của kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024, cả những điểm sáng và cả những áp lực tới ổn định vĩ mô và những yếu tố khiến sự phục hồi kinh tế năm 2024 của Việt Nam chưa thực sự bền vững.
Nhấn mạnh điểm sáng đáng kể của nền kinh tế nhữung tháng đầu năm, đó là sự phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài; trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; thặng dư thương mại được duy trì 8 năm liên tiếp với giá trị xuất siêu 4 tháng đầu năm nay ước đạt 8,4 tỷ USD… PGS. TS Nguyễn Anh Thu - Phó hiệu trưởng trường Đại học kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, cần đánh giá các tác động từ cả bên ngoài, đến nội tại - bên trong của nền kinh tế để có giải pháp điều hành tốt hơn trong thời gian tới.
“Chúng ta nhìn thấy rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, đặc biệt là vấn đề về nhân lực và công nghệ và vốn… Và chúng ta cũng nhìn thấy rất rõ là rất nhiều lợi thế của Việt Nam trong việc chúng ta thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay thì đang có xu hướng giảm hoặc mất đi” - PGS. TS Nguyễn Anh Thu nói.
Đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngay từ đầu năm đã “đảo chiều mục tiêu”, đó là “ưu tiên tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô” thay vì mục tiêu số 1 trước đây vốn là ổn định vĩ mô rồi mới tăng trưởng kinh tế, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, với các giải pháp Chính phủ đưa ra, kinh tế Việt Nam năm 2024 hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. Mặc dù vậy, TS cấn Văn Lực cũng chỉ ra những điểm đáng lưu ý tác động tới kinh tế vĩ mô những tháng tiếp theo.
“Một là sự tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương với nhau; thứ 2 là có thể đau đó vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững. Ví dụ, ta thấy rất rõ chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng khá cao nhưng đến hết tháng 4 mức độ tăng trưởng chậm trở lại cho dù chỉ số PMI trên 50 điểm. Điều này tôi nghĩ cần lưu ý đối với chính sách của chúng ta” - TS. Cấn Văn Lực nêu ý kiến.
TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần số doanh nghiệp thành lập mới. Tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm qua… cần tiếp tục có các biện pháp mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Rất nhiều các chuyên gia phân tích và các báo cáo đánh giá tình hình doanh nghiệp của quý 1 cũng đã nói rằng, với những khó khăn của doanh nghiệp, những vấn đề của doanh nghiệp như vậy thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, đến tình hình sản xuất kinh doanh và đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Từ đây chúng ta nhìn sang một chỉ tiêu vĩ mô khác nữa, đó là chỉ tiêu về tăng năng suất lao động… Rõ ràng mọi chỉ tiêu tăng trưởng hay là ổn định đi chăng nữa thì nó cũng phải phụ thuộc vào doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp yếu kém thì các chỉ tiêu khác chúng ta rất là khó đạt được” - TS. Nguyễn Quốc Việt nói.
Mặc dù VEPR đưa ra những khuyến nghị cần tăng cường các giải pháp để kiểm soát lạm phát khi những yếu tố như tỷ giá, giá vàng và bong bóng tài sản có thể tăng áp lực lạm phát tring năm nay, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam không nên quá lo lắng về lạm phát. Bởi, trên thế giới, lạm phát toàn cầu đã giảm khá nhanh thời gian gàn đây. Ngay cả một số nước như Mỹ cũng đã giảm tương đối tốt.
Các nguyên nhân cơ bản tác động tới lạm phát trên thế giới là do giá năng lượng dự báo chỉ tăng nhẹ, giá dầu đâu đó cũng dao động ở mức tăng 80-85 USD và tăng “không đáng kể”. Ở trong nước, chỉ số CPI thời gian tới chủ yếu tăng ở 2 nhóm, đó là: lương thực thực phẩm và nhóm nhà ở/vật liệu xây dựng… (nhóm chi phí giáo dục, y tế đã được điều chỉnh).
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Kiểm soát lạm phát phải gắn với yếu tố nông nghiệp bền vững, bảo đảm an toàn lương thực. Cho nên, biến động về giá cả lương thực là rất thấp. Đấy là yếu tố rất quan trọng tác động đến tâm lý trong vấn đề lạm phát, tâm lý tác động đến thu nhập của người lính lương thực, thực phẩm. Tôi thấy yếu tố đó đánh giá tốt hơn nữa”.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã cập nhật 3 kịch bản điều hành giá năm 2024: kịch bản 1 - CPI bình quân tăng khoảng 3,64% so với năm 2023; (kịch bản 2 – CPI bình quân tăng 4,05% và kịch bản 3 - CPI tăng khoảng 4,5%; Đồng thời cũng đưa ra khuyến nghị về các biện pháp điều hành giá trong Quý II/2024 và các tháng còn lại của năm 2024, nhấn mạnh công tác quản lý, điều hành giá cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.