Kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện hơn, GDP năm 2017 dự báo tăng 6,3%
VOV.VN-WB dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam tích cực trong trung hạn, mức tăng trưởng GDP dự kiến sẽ cải thiện lên mức 6,3% trong 2017.
Về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2017, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá là tích cực trong trung hạn, mức tăng trưởng GDP dự kiến sẽ cải thiện lên mức 6,3% trong 2017 và 2018.
GDP tăng lên mức 6,3% trong năm 2017 và 2018
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, phân tích: Tăng trưởng GDP năm 2016 dự kiến xoay quanh 6% nhờ sức cầu mạnh trong nước và các ngành sản xuất chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Mức tăng trưởng GDP dự kiến sẽ cải thiện lên mức 6,3% trong 2017- 2018 nhờ sản xuất nông nghiệp được phục hồi và triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục cải thiện.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam. |
Lạm phát đã gia tăng trong mấy tháng gần đây sau một loạt các quyết định tăng giá các mặt hàng và dịch vụ do nhà nước quản lý nhưng ước tính vẫn nằm trong mục tiêu dưới 5% của Chính phủ. Kỳ vọng lạm phát ước tính sẽ tăng ở mức vừa phải trong năm tới do giá hàng hóa và nhiên liệu dần hồi phục.
Cùng với đó, cán cân đối ngoại tiếp tục được củng cố do cải thiện cán cân thương mại. Bội chi ngân sách dự báo vẫn ở mức cao khoảng 6% GDP trong năm nay nhưng sẽ được điều chỉnh trong trung hạn theo các cam kết của Chính phủ.
Ông Sebastian Eckardt cho rằng, bội chi ngân sách bình quân ở mức 5,5% GDP trong năm năm qua và dự kiến vẫn ở mức khoảng 6% GDP trong năm nay. Mặc dù rủi ro khó khăn nợ cấp tính vẫn khá thấp nhưng nợ công thời gian qua tăng nhanh đến gần sát ngưỡng 65% GDP được Quốc hội cho phép. Để xử lý những quan ngại về bền vững tài khóa trong trung hạn, Kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2016 đặt mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống còn 3,5% GDP năm 2020.
“Điều quan trọng hiện nay là phải có các biện pháp chính sách cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu trên nhằm điều chỉnh có chất lượng thông qua cân đối giữa các biện pháp thu và chi kết hợp đồng thời chú trọng nâng cao hiệu suất chi tiêu, thay vì cắt giảm đồng loạt chi tiêu và đầu tư được phép chủ động”- ông Sebastian Eckardt nêu quan điểm.
Cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo chiều sâu
Điều quan trọng nữa, theo các chuyên gia của WB, là Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo chiều sâu nhằm hỗ trợ cho mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Bởi vì theo phân tích của WB, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay đang phải đối mặt những hạn chế cơ cấu ngày càng lớn. Tăng trưởng kinh tế đã trở nên quá phụ thuộc vào tích lũy các yếu tố sản xuất (vốn, tài nguyên và lượng lao động kỹ năng thấp), cũng như các biện pháp kích thích kinh tế vĩ mô (các chính sách nới lỏng tài khóa và tín dụng) trong khi đóng góp của tăng trưởng năng suất (tổng năng suất các yếu tố - TFP) đang giảm xuống.
Nhận thức được thách thức quan trọng trên, Quốc hội đã thông qua kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đồng thời tái khẳng định những ưu tiên chuyển đổi cơ cấu của Chính phủ trong năm năm tới, bao gồm tiếp tục cải cách nhằm nâng cao ổn định cho hệ thống ngân hàng và xây dựng các thị trường vốn sâu hơn, cải thiện hiệu suất của khu vực DNNN, tăng cường đầu tư công và tạo thuận lợi cho một khu vực tư nhân năng động hơn và năng suất hơn.
Những kế hoạch trên, theo WB, “là bước đi quan trọng theo hướng chuyển đổi cơ cấu - nếu được triển khai đồng bộ - có thể giúp xử lý được một số hạn chế về cơ cấu phát sinh trong nền kinh tế”.
Các chuyên gia WB đánh giá vẫn còn nhiều rủi ro đáng kể có thể tác động bất lợi đến triển vọng kinh tế trong trung hạn. Nhìn từ trong nước, những cải cách tài khóa và chuyển đổi cơ cấu nếu bị triển khai chậm trễ có thể làm tăng nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế vĩ mô và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng.
Nhìn từ bên ngoài, kinh tế toàn cầu tiếp tục suy trần và viễn cảnh về hiệp định TPP đang nhạt dần có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam thông qua các kênh thương mại và đầu tư.
Trong khi đó, tình hình thị trường tài chính toàn cầu chưa khởi sắc và viễn cảnh tăng lãi suất do dự báo về thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ cũng làm dấy lên một số quan ngại, khi Việt Nam đang có dự kiến tiếp cận thị trường quốc tế để đáp ứng một số nhu cầu huy động vốn cho ngân sách./.
Tái cơ cấu: Điều kiện thiết yếu để Việt Nam tăng trưởng