Kinh tế xanh: Đã có những mô hình dẫn dắt đi đầu
VOV.VN - Kiên định với tôn chỉ “Trân quý Mẹ Thiên nhiên” trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn TH đang góp phần thực hiện cam kết hướng tới NET ZERO của Việt Nam tại COP26 - thông qua nhiều sáng kiến, giải pháp phát triển bền vững.
Tính đến nay, “Cam kết đi đôi với hành động” hướng tới NET ZERO đã giúp Tập đoàn TH giảm đến 85% tổng phát thải khí nhà kính so với trước đây, bớt hơn 500 tấn nhựa mỗi năm.
Tại Tập đoàn TH, ông Cao Minh Hòa - Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Sữa tươi sạch TH, cho biết ngay từ khi thành lập, Anh hùng Lao động - Doanh nhân Thái Hương đã xác định chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững với tôn chỉ xuyên suốt “Trân quý Mẹ Thiên nhiên” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo kế hoạch, Tập đoàn TH đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tại trang trại và nhà máy trung bình đạt 15%/năm. Tổng phạm vi phát thải nhà kính trên một đơn vị sản phẩm tại nhà máy, trang trại, giảm trung bình 15%/năm.
Tuy nhiên, với rất nhiều giải pháp đồng bộ và hành động quyết liệt từ người đứng đầu cho đến từng đơn vị, từng người lao động, năm 2022, hệ thống trang trại của Tập đoàn đã vượt kế hoạch đề ra khi nâng mức giảm phát thải trung bình lên hơn 20% tổng phạm vi phát thải nhà kính trực tiếp và gián tiếp/đơn vị sản phẩm.
Đặc biệt, Công ty Cổ phần sữa TH - một trong những “cứ điểm” chủ lực của Tập đoàn đang cung ứng ra thị trường hàng trăm dòng sản phẩm từ sữa tươi sạch chất lượng cao, suốt 2 năm liên tiếp (2019-2020) đều đạt mức giảm phát thải bình quân 0,168kg CO2/lít sữa - thấp hơn ngưỡng cho phép.
“Năm 2022, tổng phát thải khí nhà kính tại nhà máy tiếp tục giảm mạnh xuống còn 0,103kg CO2/đơn vị sản phẩm.” Ông Hòa nhấn mạnh: “Đây là mức thấp vượt trội so với kết quả giảm phát thải của các nhà máy sữa ở Việt Nam và Đông Nam Á.”
Ngoài ra, Nhà máy Sữa TH còn là đơn vị đơn vị đi đầu chuyển đổi sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường khi thay thế đốt lò hơi bằng nhiên liệu hóa thạch (dầu FO) sang sử dụng nhiên liệu sinh khối với lò Biomass. Theo ông Cao Minh Hòa, nguồn nhiên liệu “xanh” mà Nhà máy đang sử dụng không những có chi phí rẻ hơn mà khói thải còn trở nên sạch và an toàn hơn rất nhiều.
Hiện tại Nhà máy Sữa TH đang vận hành 2 lò Biomass. Hơi sinh ra từ lò cung cấp đủ nhu cầu cho toàn bộ khu vực sản xuất để thanh trùng, tiệt trùng máy rót; gia nhiệt nước, hỗ trợ quy trình làm sạch đường ống, thiết bị trong suốt quá trình sản xuất.
Cùng với đó, Tập đoàn TH cũng đồng thời thu hồi nước ngưng tụ ở một số thiết bị chủ chốt. Lượng nước ngưng thu hồi được chiếm 50-60% tổng lượng hơi cấp cho sản xuất, góp phần tiết kiệm nhiên liệu trong mọi quá trình sản xuất.
Không chỉ tiên phong trong việc giảm phát thải khí nhà kính, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn liên tục cải tiến công nghệ để cắt giảm tối đa lượng nhựa trong sản xuất. Nổi bật là quyết định bỏ màng co nắp chai nhựa trên toàn bộ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Năng - Giám đốc Nhà máy Nước tinh khiết, Thảo dược và Hoa quả Núi Tiên cho biết nhà máy hiện đang cung ứng ra thị trường hàng chục dòng sản phẩm đồ uống đóng chai chất lượng cao như nước tinh khiết TH true Water, nước gạo TH true RICE từ gạo lứt đỏ và các sản phẩm nước uống từ hoa quả tự nhiên.
Gỡ khó về tín dụng
Để áp dụng được hiệu quả mô hình kinh tế xanh như TH Truemilk và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã và đang thực hiện đòi hỏi một sự đầu tư bài bản và nguồn vốn khá lớn. Nhiều doanh nghiệp muốn áp dụng xu thế này nhưng lại vô cùng vướng mắc về nguồn vốn, tài chính.Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cùng với nguồn lực của nhà nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân thì nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng là rất quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như tăng trưởng xanh. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ xây dựng và ban hành danh mục cũng như tiêu chí xanh. Đây sẽ là cơ sở để các ngân hàng thương mại triển khai cho vay các dự án xanh thuận lợi hơn, tháo gỡ các khó khăn về vốn cũng như thủ tục cho doanh nghiệp.
“Trong quá trình triển khai, chúng tôi ghi nhận những khó khăn vướng mắc của các tổ chức tín dụng tài trợ cho dự án xanh là các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án xanh, bởi đây là các dự án có liên quan nhiều đến các yếu tố kỹ thuật, chuyên ngành, và những yếu tố về môi trường. Do vậy, với nhiệm vụ được giao là ban hành một danh mục về tiêu chí xanh thì sẽ có hữu ích rất nhiều. Đầu tiên sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách, ưu đãi đầu tư. Đối với ngành ngân hàng sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí rất hữu ích để làm cơ sở ngân hàng thương mại tham chiếu, xem xét cấp tín dụng…”.
Đánh giá cao nỗ lực trong hoàn thiện các cơ chế, chính sách từ phía NHNN, song, từ thực tế hoạt động cho vay các dự án TKNL, chuyển đổi sang kinh tế xanh thời gian qua, đại diện nhiều tổ chức tính dụng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên giao cho các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay lớn trong các ngành kinh tế được sử dụng nguồn tín dụng tái cấp vốn cũng như nguồn vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài thông qua hình thức cho vay lại, bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước hay Chính phủ với lãi suất ưu đãi để thực hiện đầu tư mang lại hiệu quả cao.
Ông Hà Huy Cường, Phó tổng giám đốc ngân hàng Nam Á chia sẻ kinh nghiệm: “Làm sao để xây dựng được sản phẩm tín dụng đa dạng, phù hợp với các đối tượng khách hàng liên quan đến phát triển xanh. Còn về vận hành thì chúng ta có thể số hoá tất cả các quy trình để vấn đề giấy tờ không còn là gánh nặng của các tổ chức và cuối cùng phải tìm được các nguồn vốn giá rẻ để đa dạng hoá ngành nghề trong tài trợ tín dụng xanh”.
Cần cơ chế, chính sách đồng bộ
Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ, vì nguồn tín dụng xanh, do chưa có cơ chế, chính sách nên doanh nghiệp khó tiếp cận.
Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết: Hiệp hội cũng kiến nghị Thành phố có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững.
“Chúng tôi cũng kiến nghị với UBND TP.HCM có chính sách cho doanh nghiệp hỗ trợ họ tiếp tục thực hiện các tiêu chí phát triển bền vững hay đầu tư thêm máy móc, thiết bị, công nghệ xử lý rác thải, nước thải, khí thải ra môi trường” - ông Đức nêu ý kiến.
Theo Ths. Phạm Bình An- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chúng ta đã có chính sách tăng trưởng xanh, nhưng chỉ ở mức định hướng, chứ chưa cụ thể và đồng bộ nên rất khó triển khai thực hiện.
Thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh cần có những cơ chế chính sách đồng bộ nhằm huy động tốt được nhiều nguồn lực. TP.HCM nên vận dụng tốt chính sách của Nghị quyết 98 để hỗ trợ sản xuất xanh. Trong chuyển đổi sản xuất xanh phải liên kết vùng, ngành.
Riêng vấn đề vốn không chỉ vốn ngân hàng mà còn thí điểm mua bán tín chỉ cacbon và chương trình kích cầu ưu đãi về lãi suất. TP.HCM nên tiên phong thành lập Công ty sàn giao dịch về tín chỉ cácbon. Nếu chúng ta có chính sách pháp lý rõ ràng thì sẽ phát huy tốt các nguồn lực này.
Thạc sĩ Phạm Bình An cho biết: “Nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh cần lớn trong khi ngân sách hạn chế thì vai trò của ngân sách như thế nào chúng ta phải tính toán. Chúng ta kích hoạt cách thức hỗ trợ ra sao? Tính liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau khá yếu, trong đó việc tái sử dụng tuần hoàn phải liên kết với nhau chặt chẽ. Chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm cho doanh nghiệp”.
Sản xuất xanh là xu hướng phải triển bền vững mà nhiều doanh nghiệp đang hướng tới. Tuy nhiên để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này các doanh nghiệp cần có những chính sách đồng bộ. Đồng thời, các doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau để xây dựng được hệ sinh thái cộng sinh công nghiệp trong các khu công nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng và hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Mới đây, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng: Môi trường là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững của đất nước. Quy hoạch cần cập nhật theo mô hình tăng trưởng theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội với bảo vệ môi trường. Quy hoạch phải bám sát nội dung Nghị quyết 24, Nghị quyết 36 về phát triển bền vững kinh tế biển, chiến lược về môi trường, luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Quy hoạch…; bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, tương hỗ, không để xảy ra xung đột với quy hoạch tổng thể, quy hoạch quốc gia của các ngành, lĩnh vực… góp phần bảo đảm tính hệ thống giữa môi trường và các lĩnh vực kinh tế-xã hội trong tính tổng thể, bao trùm của không gian sinh tồn, phát triển.