Mía đường không ngọt

Kỳ cuối: Cần cấu trúc lại ngành mía đường

Để ngành mía đường thoát khỏi “cay đắng”, việc cơ cấu lại tổ chức, sản xuất, quản lý là điều nên làm. Và nó đòi hỏi sự chung sức của nhiều cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách và chính người trồng mía.

>> Kỳ 1: Đi giật lùi về đâu?

>> Kỳ 2: Chưa điều tiết được thị trường

Bắt đầu từ cây mía

Nhận định về thực trạng ngành mía đường, ông Nguyễn Tuấn Khải, nguyên Phó Cục trưởng Cục chế biến nông, lâm sản và nghề muối (nay là Cục Chế biến, thương mại nông lâm sản và nghề muối), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho rằng: “Từ trước tới nay, cây mía không phải là cây trồng có thế mạnh ở nước ta, nó chỉ thích hợp trồng ở những vùng có nắng nhiều và không ngập úng. Vì thế, việc trồng mía ở đồng bằng sông Cửu Long là không ổn và việc giảm sút diện tích ở khu vực này trong những năm qua là điều đương nhiên. Trước đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT còn chủ trương đưa cây mía ra trồng ở Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh miền Trung khác, nhưng tôi đã lên tiếng phản đối vì nơi này thường hay mưa với lưu lượng rất lớn”. Điều này cho thấy, ngành mía đường cần phải nhìn nhận lại chính những quy hoạch vùng sản xuất cũng như chế biến của mình xem đã phù hợp hay chưa.

Ngay tại những vùng có lợi thế trồng mía, ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Nhà máy Đường Lam Sơn cũng tỏ ra ái ngại khi những cây trồng khác đang lấn át dần diện tích vốn được quy hoạch để trồng mía. “Việc trồng mía bây giờ càng ngày càng giảm, nhà máy trước kia được quy hoạch diện tích 45-50 hécta/tấn nên đủ công suất cho nhà máy. Nhưng do tranh chấp của cây trồng khác và người ta không trồng nên diện tích thực tế chỉ có 12.000ha. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì ngành mía đường sẽ khó khăn, không có nguyên liệu để sản xuất đường” - ông Lê Văn Thanh bức xúc.

GS.TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang nêu ý kiến: “Cái gốc của vấn đề là phải đầu tư cho khoa học công nghệ, đặc biệt là giống mía để đưa năng suất mía ở từng vùng đất khác nhau lên khoảng 70 - 80 tấn/ha. Như thế, mới có thể quay lại cái cơ bản là quy hoạch sản xuất mía đường”.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, khi người dân đã tham gia trồng mía rồi thì cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà máy với nông dân trồng mía về giá thu mua cũng như chính sách đầu tư, đặc biệt cần chấm dứt việc thu mua mía non. “Chỉ ép chậm 1 tháng thôi, nông dân của tỉnh Khánh Hòa sẽ không bị thiệt khoảng 50 tỷ đồng” - ông Đỗ Thanh Liêm, Giám đốc Công ty CP đường Khánh Hòa đơn cử về thiệt hại do việc ép mía non.

Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu

"Các công ty, nhà máy chế biến đường muốn tồn tại phải tự mình phấn đấu vươn lên, bằng cách tự tổ chức lại sản xuất, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, cải tiến trong công nghiệp để hạ giá thành sản phẩm, đồng thời phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu - nhiệm vụ sống còn của từng doanh nghiệp."

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Nhà máy Đường Lam Sơn

Thực tế cho thấy, phát triển vùng nguyên liệu là cơ sở để phát triển ổn định ngành mía đường cũng như sự thành bại của mỗi doanh nghiệp chế biến đường. Đáng lo là ở nước ta, mỗi doanh nghiệp làm theo một kiểu. Có doanh nghiệp ứng trước vốn cho nông dân mua giống, phân bón; có doanh nghiệp chỉ hỗ trợ kỹ thuật canh tác; nhiều doanh nghiệp không đầu tư cho nông dân mà đưa ra chính sách mua giá cao. Doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư hỗ trợ nông dân thì không thể mua mía giá cao, nên khi thu hoạch thì nông dân lại đem bán cho các nhà máy có giá mua cao hơn, gây ra tình trạng các nhà máy ngày càng thờ ơ với việc đầu tư vùng nguyên liệu và hỗ trợ nông dân trồng mía.

Liên quan tới việc đầu tư cho vùng nguyên liệu, bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đường Biên Hòa khẳng định: “Các nhà máy đường phải chỉ ra được vùng nguyên liệu của mình ở chỗ nào, chứ có nhà máy bỏ ra cả trăm tỷ đồng đầu tư cho đồng ruộng như đường Biên Hòa, nhưng đến vụ, một số nhà máy đường khác lại đưa xe tới tận ruộng, chất mía lên xe rồi bảo chúng tôi trả giá cao hơn. Điều này là không thể chấp nhận”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đình Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Mía đường I kiến nghị: “Cần cấm tất cả các nhà máy khác không được mua mía của nhà máy đã đầu tư và đã được quy hoạch vùng nguyên liệu. Mỗi khi vào vụ thu hoạch, các nhà máy sản xuất đường phải nộp cho hiệp hội một khoản tiền đặt cọc từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Nếu đơn vị nào vi phạm 1 xe thì bị phạt 10 xe. Quản lý chặt và nghiêm như vậy thì vùng nguyên liệu mới ổn định và doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư”.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp ngành mía đường lại “kể khổ” khi không có đủ lực để đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng mía cũng như nâng cao thu nhập cho người trồng mía. Vì thế, họ kiến nghị Nhà nước nên xem xét dành cho một nguồn vốn với lãi suất thấp để doanh nghiệp có thể vay và hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên