Lãi suất đầu năm 2019 rất khác và “lạ”?
VOV.VN -Theo TS. Bùi Quang Tín, thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước sẽ không có nhiều biến động để gây áp lực lên thanh khoản VND cũng như lãi suất.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Bùi Quang Tín, thời điểm giáp Tết và sau Tết Nguyên đán, lãi suất huy động tại một số ngân hàng nhỏ tăng nhẹ, dao động từ 0,2-0,5% (có thời điểm 0,7%/năm). Tại các ngân hàng lớn như: ngân hàng Agribank, BIDV, Techcombank… lãi suất ở mức ổn định, không có động thái tăng lên.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại lại tăng khá cao, trung bình 0,1% - 0,3%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, lãi cuối kỳ của Ngân hàng SCB lên tới 8,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng lên tới 8,68%/năm sau khi cộng thêm các ưu đãi.
VPBank cũng áp dụng mức lãi suất ưu đãi với các mức cộng 0,1%-0,4%/năm.
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng lại có động thái điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi. Cụ thể, VietinBank áp dụng biểu lãi suất tiền gửi với mức giảm mạnh 0,3%/năm ở hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng nhưng tăng nhẹ 0,1%/năm ở kỳ hạn 24 tháng, lên 6,8%/năm…
Lãi suất sẽ không có nhiều biến động trong năm 2019. (Ảnh minh họa: KT) |
Với những diễn biến trong biểu lãi suất của ngân hàng, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, đây là dấu hiệu rất khác và “lạ” so với cùng kỳ những năm trước.
Theo ông Tín, nguyên nhân của động thái tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây là do các ngân hàng phải chuẩn bị cho việc áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống 40% từ đầu năm 2019. Vậy nên, ngân hàng phải nỗ lực gia tăng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay vốn trung và dài hạn. Tại các ngân hàng nhỏ hiện nay, nguồn vốn này rất ít nên họ phải tăng lãi suất và cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng cho vay trung và dài hạn.
Ngoài ra, năm 2019 cũng là năm phải chuẩn bị các công việc để tuân thủ theo chuẩn mực Base II và việt hóa theo thông tư 41/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm đáp ứng được chuẩn mực về tỷ lệ an toàn vốn; chuẩn bị thêm dòng tiền cho việc cấp tín dụng cũng như nâng cấp quản trị điều hành, nâng cấp hoạt động, cách thức quản trị kinh doanh cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Từ những lý do đó, cho nên hiện nay ngân hàng vừa phải cơ cấu lại nguồn vốn, vừa phải tính toán, sắp xếp lại các dòng vốn huy động, vốn ngắn hạn, điều chuyển qua nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp.
Với những diễn biến “khác thường” như vậy, lãi suất ngân hàng trong thời gian tới sẽ ra sao? TS. Bùi Quang Tín khẳng định, lãi suất ngân hàng trong thời gian tới tăng hay giảm phụ thuộc vào cách thức điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong vấn đề tăng lãi suất USD, các mối quan hệ kinh tế trong và ngoài nước...
Ông Tín phân tích, nếu nhìn dưới góc độ thanh khoản thì hiện thanh khoản liên ngân hàng không có nhiều thay đổi. Những ngày cận Tết và sau Tết, lãi suất có tăng một chút nhưng 2 tuần gần đây lại giảm mạnh, điều đó chứng tỏ thanh khoản giữa các ngân hàng không quá căng thẳng, lãi suất liên ngân hàng đang ổn định và có xu hướng giảm nhẹ. Ngoài ra, tỷ giá đang giảm, giá USD/VND cũng giảm so với những ngày cận Tết và sau Tết, cùng với đó, lạm phát cũng đang được kiểm soát rất tốt trong tháng 1 vừa qua...
Đặc biệt, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang dần được xoa dịu, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên cũng đang có dấu hiệu tốt lên… Những tín hiệu trên cho thấy, tình hình thế giới và trong nước sẽ không có nhiều biến động để gây áp lực mạnh lên thanh khoản VND cũng như lãi suất.
“Tình hình trong nước và thế giới không có nhiều yếu tố đáng lo ngại, tuy nhiên, những chính sách đã điều hành tốt trong năm 2018 cần tiếp tục được duy trì; luôn theo dõi sát diễn biến trong và ngoài nước để có những sự thay đổi cho phù hợp. Quan trọng hơn, NHNN vẫn phải tích cực điều hành để ổn định lãi suất đầu vào cũng như kêu gọi và yêu cầu các ngân hàng phải giảm chi phí để tạo ra lãi suất đầu ra; lãi suất cho vay phải thấp hoặc bằng lãi suất cho vay năm 2018 để tiếp tục hỗ trợ dòng vốn, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp”, TS. Bùi Quang Tín khuyến nghị./.
Lãi suất ngân hàng tăng, khi nào mới dừng lại?