Lãi suất tiết kiệm ngân hàng giảm xuống dưới mức 6%/năm
Cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng ngày 1/3 cho thấy xu hướng giảm tiếp tục được ghi nhận với nhiều kỳ hạn. Đến nay, không còn ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất từ 6%/năm đối với các khoản tiền gửi thông thường.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa giảm lãi suất các kỳ hạn từ 0,1 - 0,3%/năm; trong đó giảm nhiều nhất là 0,3%/năm ở kỳ hạn 3 và 6 tháng, xuống còn lần lượt 3%/năm và 4,3%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại SHB giảm 0,2%/năm xuống còn 4,8%/năm và kỳ hạn 24 tháng giảm 0,1%/năm xuống còn 5,5%/năm.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 3,6%/năm; kỳ hạn 12 và 24 tháng cùng giảm 0,1%/năm xuống còn lần lượt là 5,1%/năm và 5,6%/năm.
Cũng có bước giảm 0,2%/năm lãi suất nhiều kỳ hạn, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) niêm yết biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất ở mức 2,95%/năm đối với kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng; 4,6%/năm với kỳ hạn 6 tháng; 4,8%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 5%/năm với kỳ hạn 13 tháng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã giảm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn; trong đó mức giảm mạnh nhất tới 0,6%/năm ở kỳ hạn 3 tháng, đưa lãi suất tiết kiệm xuống còn 3%/năm. VPBank giảm 0,2%/năm lãi suất kỳ hạn 6 tháng xuống còn 4,5%/năm; giảm 0,3%/năm lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống còn 4,8%/năm.
Tại 4 ngân hàng lớn gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất huy động chưa có điều chỉnh.
Vietcombank và Agribank niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng chỉ 1,7%/năm, thấp nhất hệ thống; lãi suất kỳ hạn 3 - 5 tháng chỉ 2%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng chỉ 3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn tương ứng tại BIDV và VietinBank nhỉnh hơn 0,2%/năm so với các mức trên. Đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất niêm yết tại 4 ngân hàng này dao động từ 4,7 - 5%/năm.
Nhìn chung, đối với tiền gửi tiết kiệm thông thường kỳ hạn 12 tháng, một số ngân hàng đang niêm yết lãi suất cao nhất có Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) 5,5%/năm, NCB 5,1%/năm... Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất có thể kể tới Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) 4,8%/năm, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) 4,65%/năm... Với kỳ hạn từ 1-3 tháng, lãi suất cao nhất đang áp dụng tại BaoVietBank 3,85%/năm, Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) 3,8%/năm...
Tuy nhiên, đối với những khoản tiền gửi có giá trị lớn, ngân hàng cũng có những quy định riêng. Như tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), khi khách hàng gửi mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 và 13 tháng, lãi suất áp dụng lên tới 10%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) áp dụng lãi suất 9,65%/năm cho các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của Tổng Giám đốc. Mức này đã giảm 0,5%/năm so với trước đó. HDBank cũng niêm yết lãi suất cao nhất 8,1%/năm áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tối thiểu từ 300 tỷ đồng.
Trước đó, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một số ngân hàng đã tăng nhẹ lãi suất huy động từ 0,1-0,4%/năm tại nhiều kỳ hạn như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank).
Theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất tiết kiệm ngay sau Tết Nguyên đán nhằm hút mạnh dòng tiền nhàn dỗi sau thời gian dài lãi suất liên tục giảm. Thêm nữa, theo xu hướng chung từ các năm trước, tín dụng sau Tết có nhiều khả năng sẽ tăng nhanh, kèm với việc các ngân hàng thương mại đã được giao toàn bộ chỉ tiêu tín dụng của cả năm 2024, đòi hỏi cần sẵn sàng nguồn vốn để cho vay. Dù tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm giảm nhưng được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã bắt đầu quay trở lại, nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện, các đơn hàng xuất khẩu cũng có tín hiệu tích cực... Do đó, nhu cầu vốn cũng sẽ tăng cao, tín dụng có khả năng phục hồi tăng trở lại ngay từ tháng 3 này.
Dự báo về xu hướng lãi suất, các chuyên gia của Trung tâm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa cho giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục giảm mạnh. Lãi suất tiền gửi 12 tháng vào cuối năm 2024 dự báo ở mức khoảng 5,5%/năm, tăng 50 điểm cơ bản so với 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có thể có khả năng giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2024.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh đến thời điểm này, các mức lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đồng thời, Phó Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế...