Làm đặc khu kinh tế: Cần cả triệu tỷ đồng “làm cỗ” mời nhà đầu tư?
VOV.VN - Hàng loạt ưu đãi chưa từng có được đề xuất để làm 3 đặc khu kinh tế, trong đó nguồn vốn huy động lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng.
Theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là Luật Đặc khu, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và đã trình Quốc hội, rất nhiều những ưu đãi vượt trội được đề xuất tại các đặc khu được chọn thí điểm là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Phú Quốc sẽ là 1 trong 3 đặc khu kinh tế ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)
“Miễn, giảm, giãn” có tạo gánh nặng cho ngân sách?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những đề xuất ưu đãi tại các đặc khu của Việt Nam chỉ kém các thiên đường thuế.
Các ưu đãi đó bao gồm miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm và giảm một nửa trong các năm tiếp theo. Thậm chí, nếu là nhà quản lý, nhà khoa học, hay chuyên gia được miễn thuế tới 10 năm đầu, nhưng không quá 2030. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Nhà đầu tư được thuê đất tối đa 99 năm so với mức tối đa 70 năm hiện tại.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng được hưởng những ưu đãi thuế xuất nhập khẩu tại khu phi thuế quan, được lưu hành tự do ngoại tệ và có thể làm visa ngay tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các chính sách ưu đãi dành cho đặc khu đã được tính toán, cân nhắc kỹ càng để đảm bảo tính đột phá, vượt trội, cạnh tranh.
Tại phiên thảo luận mới đây của UBTV Quốc hội về dự thảo Luật Ðơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan điểm đồng tình với các chính sách ưu đãi để đảm bảo tính nổi trội của các đặc khu.
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, cần phải xem xét lại kỹ mức ưu đãi, bởi nếu không cẩn thận thì chẳng thu được gì nhiều lắm so với số bỏ ra. Ông Hiển cũng cảnh báo, nếu không cẩn thận sẽ tạo ra gánh nặng cho ngân sách, nhất là sử dụng chính sách miễn, giảm, giãn một cách tràn lan.
Một góc vịnh Vân Phong. (Ảnh minh họa: Báo Khánh Hoà) |
Theo ông Phùng Quốc Hiển, mục đích của 3 đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế, động lực kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực, tạo sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là ở các đặc khu.
Ông Hiển nhấn mạnh, đã là kinh tế thì vấn đề hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu, phải trả lời được câu hỏi 3 đặc khu này sẽ mang lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu được gì?
Nấu sẵn "cỗ" mời nhà đầu tư?
Theo Đề án thành lập đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nguồn vốn huy động để xây dựng 3 đặc khu lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng. Trước con số này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn: Vốn đầu tư công trung hạn 5 năm chỉ đạt hơn 2 triệu tỷ đồng. Vậy ngân sách lấy ở đâu ra số tiền lớn để làm 3 đặc khu?
Phối cảnh tổng thể Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp Vân Đồn. (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, con số hơn 1 triệu tỷ đồng nói trên là tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội của cả 3 đặc khu và ngân sách chỉ hỗ trợ một phần không nhiều trong số này. Hiện tại, Vân Đồn đề xuất ngân sách hỗ trợ 10%, Phú Quốc 19%, Bắc Vân Phong hơn 30% và các đề xuất này vẫn đang trong quá trình xem xét, chứ chưa “chốt”.
Theo phân tích của PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, 1 triệu tỷ đồng cần rót vào 3 đặc khu không có nghĩa nhà nước phải bỏ ra hết, "làm cỗ" xong rồi mời nhà đầu tư chỉ việc ngồi vào "mâm cỗ" bày sẵn.
Ông Cường cho rằng, nhà nước chỉ làm nên những cơ chế, vẽ ra những mô hình, đưa ra những "thực đơn" và bản thân nhà đầu tư sẽ mang các nguồn lực vào để "nấu ra mâm cỗ".
Điểm chung của 3 đề án phát triển đặc khu kinh tế là địa phương xin ưu đãi thông qua đề xuất được giữ lại nguồn thu trên địa bàn tỉnh để dồn vốn cho phát triển đặc khu kinh tế trong những năm tới.
Trong đề án phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn gửi đến các bộ, ngành, tỉnh Quảng Ninh đề xuất được giữ lại 100% số thu ngân sách nội địa phát sinh trên địa bàn đặc khu kinh tế Vân Đồn đến 2030. Bên cạnh đó, trong 5 năm đầu phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh này cũng xin được giữ lại 25% số thu nội địa của tỉnh Quảng Ninh (khoảng 2.000 tỷ đồng/năm); đồng thời, ngân sách địa phương bổ sung cho đặc khu tối thiểu 1.500 tỷ đồng/năm để phát triển hạ tầng kỹ thuật, và hạ tầng xã hội tại đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Do số thu nội địa trên địa bàn huyện Vạn Ninh (khu vực phát triển đặc khu kinh tế Vân Phong) chỉ khoảng 130 tỷ đồng/năm, nên tỉnh Khánh Hòa đề xuất cơ chế ưu đãi để lại 100% thuế xuất nhập khẩu và toàn bộ số thu nội địa trên địa bàn Bắc Vân Phong để thực hiện chính sách đặc thù. Đồng thời, ngân sách trung ương để lại 50% các khoản thu nội địa trên địa bàn tỉnh để bổ sung vốn phát triển đặc khu kinh tế Vân Phong.
Ngoài nhóm chính sách ưu đãi chung theo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, tỉnh Kiên Giang đã đề xuất Bộ Tài chính giảm hạn mức tổng vốn đăng ký đầu tư với những dự án nghỉ dưỡng có kinh doanh trò chơi có thưởng ở Phúc Quốc. Tỉnh đề nghị các dự án khu du lịch sinh thái cao cấp có tổng mức đầu tư trên 300 triệu USD được phép kinh doanh casino quy mô nhỏ./.
3 đặc khu kinh tế sẽ có thể chế vượt trội?