Lâm Đồng cần khơi thông nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

VOV.VN - Là tỉnh có thế mạnh lớn về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng đang gặp khó khăn lớn về nguồn vốn.

Hiện diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng đạt trên 60.000ha, chiếm 20% tổng diện tích đất canh tác, đưa giá trị canh tác đạt 180 triệu/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng đang gặp phải cản lực lớn là khó khăn về nguồn vốn.

3 năm qua, ông Võ Quốc Khoa, chủ một trang trại chuyên sản xuất các loại hoa cao cấp theo hướng công nghệ cao ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) luôn chạy đôn chạy đáo khắp nơi để huy động vốn, mở rộng quy mô trang trại. Vậy nhưng số tiền được vay quá ít so với giá trị tài sản thế chấp trên 10ha, việc sản xuất cũng khó mở rộng.

“Hiện tại tôi vẫn đang cố gắng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp lý. Ngân hàng đòi hỏi vay phải có thế chấp, mà thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp thì vay cũng không được bao nhiêu tiền. Thế nhưng trên thực tế, đất này nếu tính theo giá thị trường thì rất nhiều tiền, nếu mua hiện giờ tầm giá khoảng 30 tỷ đồng nhưng đi vay thì không được bao nhiêu”, ông Võ Quốc Khoa cho biết.

Thiếu vốn là khó khăn chung của nông dân và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng. Điển hình là Công ty TNHH Đà Lạt GAP, được đánh giá là một trong 12 doanh nghiệp đi đầu và phát triển mạnh về nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng. Công ty này có tổng diện tích trang trại rộng 32 ha đạt tiêu chuẩn VietGap, trong đó có 11 ha nhà kính hiện đại. Các tổ chức tín dụng định giá tổng tài sản gồm đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị… hơn 80 tỷ đồng, nhưng mức tối đa cho công ty vay vốn chỉ được 2,8 tỷ đồng. Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt GAP cho biết, số tiền này chỉ đủ đầu tư 1 ha nhà kính, chưa kể các khoản chi phí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

“Ngân hàng biết hiện bây giờ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đang có lợi nhuận tốt nhưng vì lý do cơ chế nào đó mà không cho vay theo ưu đãi. Như khu nhà kính chúng tôi cứ mỗi ha có trị giá 7,6 tỷ, nhưng khi làm thủ tục thì nhà nước chỉ cho vay 200 triệu, so với giá trị thực tế là không đáng là bao nhiêu”, ông Lê Văn Cường nói.

Ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn rất lớn. Thời gian qua, Hội đã phối hợp nhiều đơn vị liên quan tìm kiếm nguồn vốn cho nông dân, nhưng hiệu quả chưa cao. Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn đang vấp phải nhiều bất cập; việc vay qua tín chấp thì rất hạn chế, nông dân chủ yếu vẫn phải tự thế chấp tài sản với ngân hàng mới tiếp cận được với nguồn vốn.

“Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay cũng gặp phải sự bất cập về điều kiện cho vay, bởi ngân hàng luôn muốn đảm bảo vấn đề thu hồi nợ nên yêu cầu thế chấp tài sản. Tuy nhiên, theo Nghị định 55, nếu vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân là không cần thế chấp tài sản, chỉ cần xây các mô hình qua tổ vay vốn là được vay. Nhưng thực tế, việc này hiện chưa thực hiện được nên tới đây chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngân hàng để tìm cách tháo gỡ, làm sao các thủ tục vay vốn được thuận lợi nhất để người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay”, ông Đa Cát Vinh cho hay.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng xác định tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại. Mục tiêu phấn đấu nâng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh lên 220 triệu đồng/ha/năm. Để đạt mục tiêu này, Lâm Đồng cần sớm khơi thông các điểm nghẽn về vốn vay cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp có bước đột phá mới trong sản xuất, nâng cao giá trị và chất lượng chuỗi hàng hóa nông sản trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khởi công Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 1.500 tỷ đồng
Khởi công Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 1.500 tỷ đồng

VOV.VN - Tổ hợp có quy mô khoảng 200 ha chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín.

Khởi công Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 1.500 tỷ đồng

Khởi công Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 1.500 tỷ đồng

VOV.VN - Tổ hợp có quy mô khoảng 200 ha chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín.

Vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ nông nghiệp công nghệ cao
Vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ nông nghiệp công nghệ cao

VOV.VN - Nhờ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, đời sống của nhiều vùng dân tộc thiểu số ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã "thay da đổi thịt".

Vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ nông nghiệp công nghệ cao

Vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ nông nghiệp công nghệ cao

VOV.VN - Nhờ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, đời sống của nhiều vùng dân tộc thiểu số ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã "thay da đổi thịt".

Hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao: Bài học từ Israel
Hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao: Bài học từ Israel

Để thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam có thể học tập thêm kinh nghiệm từ Israel.

Hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao: Bài học từ Israel

Hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao: Bài học từ Israel

Để thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam có thể học tập thêm kinh nghiệm từ Israel.