Lâm Đồng khuyến cao nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng
VOV.VN - Lo ngại mất cân đối về thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng phát đi cảnh báo, khuyến cáo nông dân không nên tự phát mở rộng diện tích sầu riêng.
Từ khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mức giá trong nước tăng cao, nhiều nông dân ở tỉnh Lâm Đồng đã chặt bỏ các loại cây trồng khác chuyển sang trồng loại cây này khiến diện tích tăng mạnh. Lo ngại mất cân đối về thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng phát đi cảnh báo, khuyến cáo nông dân không nên tự phát mở rộng diện tích sầu riêng.
Mặc dù đã có 1ha sầu riêng cho trái ổn định, nhưng do nhận thấy loại cây ăn quả này mang lại nguồn thu nhập lớn nên gia đình ông Nguyễn Văn Trung, ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã quyết tâm mở rộng thêm diện tích canh tác.
Ông Trung cho biết, lâu nay đầu ra sản phẩm sầu riêng của gia đình chủ yếu bán qua thương lái, giá cả không ổn định nhưng vẫn cao hơn so với một số loại cây trồng khác. Vì vậy gia đình tăng thêm diện tích trồng sầu riêng hiện có.
Theo ông Trung: “Bây giờ bà con ai cũng thế, nông dân mình thấy người nọ trồng sầu riêng, người kia trồng có hiệu quả thì đổ xô trồng, đi chỗ nào cũng thấy trồng sầu riêng”.
Không chỉ riêng ông Trung, thấy sầu riêng đang mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt rất cao, nhiều nông dân tại tỉnh Lâm Đồng đã chặt bỏ một phần diện tích cây trồng khác chuyển sang trồng sầu riêng. Theo đó, diện tích sầu riêng của tỉnh này hiện đã đạt trên 17.160 ha, tăng hơn 3.500 ha so với 2 năm trước.
Trước tình trạng phát triển nóng về diện tích sầu riêng, kể cả mở rộng diện tích trồng mới ở những vùng không lợi thế... ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã khẩn trương phát đi cảnh báo, khuyến cáo người dân không nên tự phát mở rộng diện tích sầu riêng.
Theo ông Trần Quang Duy, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, việc nông dân tự phát phá bỏ cây trồng này chuyển sang một loại cây trồng khác kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó lo ngại lớn nhất là nguy cơ dẫn đến cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới.
“Khuyến cáo nông dân là không nên nóng vội chặt bỏ diện tích cây trồng khác để trồng cây sầu riêng, nhất là thay thế những loại cây trồng đã có hiệu quả từ trước đến nay. Thực tế là đã có những bài học kinh nghiệm rất đau thương từ các giai đoạn trước. Cụ thể như cây thanh long và một số loại cây trồng khác, sau thời gian tăng giá đột biến thì mức giá đã bị tụt giảm rất cao, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của người dân” - ông Duy cho biết.
Cùng với khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường hướng dẫn nông dân đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật đối với các vườn sầu riêng giai đoạn kinh doanh ổn định; kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác đầu tư cơ sở chế biến, nhất là chế biến sâu để đảm bảo việc tiêu thụ sầu riêng từ các diện tích trồng xen, không phụ thuộc vào việc xuất khẩu sầu riêng trái tươi đi thị trường Trung Quốc./.