Làm đúng để thành công từ nhượng quyền thương hiệu

VOV.VN - Trên thế giới, nhượng quyền thương hiệu là một cách kinh doanh hiệu quả và được thực hiện từ rất lâu. Thậm chí, nhiều quốc gia đã cấu trúc ngành nhượng quyền thành ngành chiến lược để phát triển kinh tế, nhất là khối kinh tế tư nhân và đặc biệt ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, các thương hiệu được lập ra, kinh doanh có hiệu quả và nhượng quyền để hình thành nên một nhóm cùng kinh doanh theo chuỗi cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là nhờ người kinh doanh, người đầu tư ngày càng hiểu và vận dụng đúng các quy tắc, hiểu biết về nhượng quyền thương hiệu.

Sự thay đổi từ cả hai phía đem đến thành công

Cách đây 11 năm, chị Trần Thảo Vi và chồng mở dịch vụ chăm sóc mẹ và bé tại nhà Care With Love. Cũng như nhiều người khởi nghiệp khác, từ lúc vất vả xây dựng cửa hàng đến lúc hoạt động hiệu quả, chị luôn tâm niệm đây là mồ hôi công sức của mình và mình phải ra sức bảo vệ nó, kể cả bảo vệ bản quyền ý tưởng.

Tuy nhiên, thực tế là dịch vụ ngày càng được nhiều người biết đến và có nhu cầu sử dụng, mà sức của chị thì không đáp ứng hết. Thêm vào đó, chị mong muốn thương hiệu của mình lớn mạnh hơn, kinh doanh mở rộng hơn trong khi tài chính có hạn nên quyết định nhượng quyền.

Thế là Care With Love hiện có 11 chi nhánh và đến cuối năm nay sẽ thêm 9 chi nhánh nữa.

“Theo tôi, doanh nghiệp nhượng quyền thương hiệu phải xuất phát từ tư duy của người sáng lập, họ có muốn triển khai mô hình này rộng khắp hay không. Từ tư duy đó thì thay đổi toàn bộ cách thức vận hành bên dưới, từ khâu đóng gói sản phẩm, bao bì, pháp lý, marketing, R&D, quy trình vận hành… mọi thứ. Để làm sao chuyển giao được mô hình này đến người khác và họ vận hành thành công được như mình” - chị Vi nói.

Anh Nguyễn Duy Tiến Trung từ một người có vợ và con là khách hàng của Care With Love đã trở thành đối tác nhượng quyền thương hiệu này chia sẻ, anh cũng phải tìm hiểu nhiều điều về nhượng quyền nhưng quan trọng nhất là đặt lòng tin.

“Tôi có thời gian trải nghiệm thì có lòng tin ở dịch vụ đó. Sau đó tôi tìm hiểu sâu hơn về thương hiệu, đội ngũ, cách thức vận hành quy trình của doanh nghiệp… từ đó đề nghị trở thành đối tác. Lòng tin là yếu tố đầu tiên để xây dựng sự kết nối, gắn bó lâu dài giữa bên nhận quyền và bên thương hiệu” - anh Nguyễn Duy Tiến Trung nói.

Sau đại dịch Covid-19, ngành nhượng quyền trở nên sôi động khi nhiều nhà đầu tư chọn đồng hành cùng những hệ thống và thương hiệu đã có mô hình hiệu quả. Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2021 có 26 thương hiệu, năm 2022 có 22 thương hiệu gia nhập hoặc tái ký hợp đồng nhượng quyền. Điều hay nhất của nhượng quyền là nhà đầu tư được tham gia vào một hệ thống chuyên nghiệp, đã chứng minh thành công và có nền tảng hỗ trợ bền vững.

3 chiếc “chìa khóa” mở cánh cửa nhượng quyền

Năm 2017, anh Trần Nhật Vũ cùng một người bạn mở ra thương hiệu Phúc Tea- chuỗi cửa hàng trà sữa với nguyên liệu thuần Việt, từ một xe đẩy ở lề đường. Hiện nay, Phúc Tea có 135 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó có 80% số chi nhánh là nhượng quyền.

Anh Trần Nhật Vũ cho biết, trong bối cảnh thị trường nhượng quyền tại Việt Nam quá mới và thiếu các kênh thông tin, đào tạo chính thống, anh hiểu rõ mô hình và hình thức đầu tư nhờ chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ các sự kiện triển lãm, hội thảo chuyên ngành. Cùng với sản phẩm, bên nhượng quyền phải xây dựng được quy trình nhượng quyền có tính pháp lý rõ ràng.

“Ban đầu tôi cứ nghĩ là bán được là nhượng quyền được và người ta mua thì tôi bán thôi, tôi làm rất bản năng. Sau đó tôi gặp biến cố lớn ở cửa hàng thứ 4 do pháp lý không chặt chẽ ngay từ đầu. Và tôi tìm luật sư, xây dựng quy trình pháp lý nhượng quyền. Theo tôi, kinh doanh, hợp tác với ai cũng được, người thân hay người lạ đều được, chỉ cần rõ ràng pháp lý từ đầu” - anh Trần Nhật Vũ chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền quốc tế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Go Global Holdings thì có ba chìa khóa đầu tư nhượng quyền thành công.

Đó là, nhà đầu tư chọn cách đầu tư phù hợp với khả năng và cam kết của bản thân. Khi đã quyết định đầu tư nhượng quyền rồi thì nhà đầu tư phải tận dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhượng quyền. Đồng thời, các thương hiệu nhượng quyền luôn luôn có chính sách ưu tiên hỗ trợ các đối tác nhận quyền tích cực, làm tốt vai trò của mình và cộng tác tốt với thương hiệu vì sự thành công chung. Do đó, nhà đầu tư hãy là người cộng tác, đừng trở thành người than phiền và tranh chấp.

Bà Vân cho rằng, 50% thành công của việc chọn cách đầu tư đến từ việc hiểu chính mình và phần còn lại đến từ kỷ luật, cam kết: “Người nhận quyền phải hiểu mình muốn đầu tư kiểu nào, có thể đầu tư được ở mức nào, quản trị ở mức nào, mình là người đứng ra vận hành hay chỉ nên là nhà đầu tư thôi. Đi mua nhượng quyền thì phải coi tất cả những người của thương hiệu đó là bạn, hợp lực với nhau mà làm. Bởi vì chỉ có sự cộng hưởng về sức mạnh, kiến thức, trải nghiệm mới có thể tạo ra thành công trong nhượng quyền”.

Tại Việt Nam, nhượng quyền thương hiệu hiện chưa được hiểu đúng, hiểu đủ và ứng dụng một cách chuyên nghiệp. Từ phía các doanh nghiệp nhượng quyền, rất nhiều chủ thương hiệu vẫn chưa hiểu đúng về nhượng quyền, xây dựng nền tảng chưa chuyên nghiệp, ứng dụng các hình thức nhượng quyền chưa hợp lý và hiểu biết pháp lý chưa đầy đủ. Kết quả là đã xảy ra những mâu thuẫn và tranh chấp đáng tiếc trong thời gian qua, làm nhiễu loạn thị trường.

Theo các chuyên gia, nếu được đầu tư đúng mức, nhượng quyền thương hiệu có thể là ngành đóng góp lớn vào GDP quốc gia. Hiện nay, tại Singapore, ngành nhượng quyền đóng góp 3% vào GDP, tại Philippines là 5%, tại Malaysia là 6,3%, tại Mỹ là 5,1% và tại Canada là 10%. Đây cũng là ngành tạo công ăn việc làm, tăng số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Định vị” thương hiệu từ quyền sở hữu trí tuệ
"Định vị” thương hiệu từ quyền sở hữu trí tuệ

VOV.VN - Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy gia tăng thương mại…, nếu không quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất đi nhiều cơ hội phát triển.

"Định vị” thương hiệu từ quyền sở hữu trí tuệ

"Định vị” thương hiệu từ quyền sở hữu trí tuệ

VOV.VN - Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy gia tăng thương mại…, nếu không quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất đi nhiều cơ hội phát triển.

Nhượng quyền thương hiệu: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt
Nhượng quyền thương hiệu: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt

VOV.VN - Nhượng quyền thương hiệu không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho bên nhượng quyền mà còn hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất cho đối tác nhận quyền.

Nhượng quyền thương hiệu: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt

Nhượng quyền thương hiệu: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt

VOV.VN - Nhượng quyền thương hiệu không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho bên nhượng quyền mà còn hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất cho đối tác nhận quyền.

Ông chủ Trung Nguyên mất quyền kiểm soát thương hiệu G7
Ông chủ Trung Nguyên mất quyền kiểm soát thương hiệu G7

Vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã lấy lại được quyền đại diện về pháp lý ở Trung Nguyên IC - đơn vị sở hữu thương hiệu cà phê hoà tan G7...

Ông chủ Trung Nguyên mất quyền kiểm soát thương hiệu G7

Ông chủ Trung Nguyên mất quyền kiểm soát thương hiệu G7

Vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã lấy lại được quyền đại diện về pháp lý ở Trung Nguyên IC - đơn vị sở hữu thương hiệu cà phê hoà tan G7...