Lạm phát 2009 sẽ là 7%?

Theo ông Nguyễn Tiến Thoả: Từ nay đến cuối năm, nhiều nhân tố sẽ tác động đến mặt bằng giá cả thế giới và trong nước nhưng những đột biến và sốt giá ở những tháng cuối năm là khó xảy ra.

Giá cả thế giới đang gia tăng trở lại bởi nhiều nền kinh tế trên thế giới có dấu hiệu hồi phục. Tại Việt Nam, tổng phương tiện thanh toán đã tăng liên tục kể từ đầu năm và ở mức tương đương thời điểm cuối năm 2007, tức là thời điểm trước khi xảy ra lạm phát cao. Cả hai yếu tố này đang tạo ra sự cộng hưởng làm cho lạm phát gia tăng. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,62%, dự kiến tháng 10 này, giá cả sẽ tiếp tục có xu hướng tăng.

Nhìn nhận và phân tích tác động của lạm phát như thế nào đối với nền kinh tế, phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục quản lý Giá (Bộ Tài chính).

PV: Thưa ông, giá cả trên thị trường đã có dấu hiệu cho thấy bắt đầu tăng. Các chuyên gia kinh tế đã nói nhiều về khả năng lạm phát sẽ quay trở lại. Dự báo những diễn biến giá cả từ nay đến cuối năm, theo ông sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Từ nay đến cuối năm, nhiều nhân tố sẽ tác động đến mặt bằng giá cả thế giới và trong nước nhưng qua đánh giá và dự báo chung, chúng tôi cho rằng những đột biến và sốt giá ở những tháng cuối năm là khó xảy ra.

Lý do thứ nhất là nền kinh tế thế giới đã có những tín hiệu tốt, nhưng tăng trưởng vẫn mong manh, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng nguyên vật liệu chưa cao như mức bình thường. Trung Quốc đã cho dừng chiến dịch mua dự trữ nguyên liệu thô để sản xuất, nhu cầu không cao thì sức ép đến giá các loại nguyên vật liệu cũng không cao.

Lý do thứ 2 là giá dầu ảnh hưởng đến rất nhiều nền kinh tế, dự báo là khoảng 70 USD/thùng từ nay đến cuối năm, cũng như mức hiện tại, cho nên tác động không mạnh mẽ. Đối với trong nước, điều thuận lợi là chúng ta đang thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như hỗ trợ lãi suất 4%, giãn-giảm-miễn thuế với nhiều mặt hàng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh đã có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phục vụ tết, giúp họ có hàng hoá để chuẩn bị tốt, những hỗ trợ về vốn, các doanh nghiệp cũng cam kết giảm giá hàng hoá thấp hơn giá thị trường khoảng 10%. Rất nhiều doanh nghiệp đang được các địa phương khuyến khích tạo chương trình khuyến mại giảm giá, hy vọng giá từ nay đến cuối năm không có đột biến, mục tiêu hiện tại là chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng 7%.

PV: Nhưng thưa ông rõ ràng để thực hiện điều này không phải dễ dàng. Vậy những  yêu cầu nào mà chúng ta ưu tiên thực hiện trong điều hành giá cả từ nay đến cúôi năm ?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Thứ nhất là chúng ta không để mất cân đối cung cầu vào những dịp cuối năm, nhu cầu thanh toán tăng cao, chúng ta thực hiện giải ngân để tiếp tục thực hiện chương trình kích cầu, thu nhập của các tầng lớp dân cư tập trung chi tiêu vào cuối năm...

Thứ 2 là đẩy mạnh hơn chương trình kích thích kinh tế để các đối tượng thụ hưởng tập trung vào sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu trong những tháng cuối năm.

Thứ ba là kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, bảo đảm không vượt quá 30% của cả năm, và giữ ổn định tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng Việt Nam, đồng thời cũng giữ ổn định lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp không bị tăng chi phí đầu vào. Đối với việc chi ngân sách, chúng ta cũng cần giữ khoản chi trong 7% như mục tiêu Quốc hội đề ra để tránh áp lực đến mặt bằng giá.

Thứ 4 là giữ ổn định giá của một số vật tư cơ bản từ này đến cuối năm như điện,  cước vận tải, bưu chính viễn thông.... một số mặt hàng mà nhà nước còn trợ giá, trợ cước như vận chuyển lên miền núi, nông sản sản xuất tập trung của vùng khó khăn.... việc này tạo điều kiện cho giữ vững mặt bằng giá, tránh những tác động gây sốc.

Biện pháp thứ 5 là tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, kể cả vấn đề gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp hành kỳ luật nhà nước về giá… biện pháp này tránh việc lợi dụng nhu cầu tăng trong cuối năm và tránh việc lợi dụng những biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý.

PV: Như vậy có thể hiểu những mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Như tôi đã nói, có những mặt hàng chúng ta phải theo thị trường, những mặt hành khác nhà nước còn định giá như điện, vận tải, bưu chính viễn thông, nhưng danh mục hàng hoá mà nhà nước trợ giá chúng ta vẫn giữ ổn định. Những mặt hành theo thị trường thì chúng ta theo nguyên tác thị trường. Với những dự báo trong và ngoài nước, những mặt hàng này cũng không có đột biến giá.

PV: Vậy Chính phủ và cơ quan quản lý sẵn sàng can thiệp khi có những biến động giá?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Về các biện pháp can thiệp, các cơ quan quản lý sẵn sàng can thiệp khi tình hình có biến động. Ví dụ như có biến động về tỷ giá ngoại tệ, chúng ta cũng sẵn sàng can thiệp. Về các hàng hoá dịch vụ khác, sự chuẩn bị của các địa phương rất tích cực, và nhiều loại hàng hoá đang dư so với nhu cầu, có điều kiện đế chúng ta bình ổn khi giá tăng cao.

PV: Nếu như nhìn vào mặt bằng giá từ bây giờ đến cuối năm, việc thực hiện các biện pháp trong gói kích cầu thứ 2 của Chính phủ sẽ tạo nên lạm phát và giá cả thị trường chắc chắn sẽ có chiều hướng tăng?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Cá nhân tôi cho rằng lạm phát và biến động giá từ nay đến cuối năm không có đột biến, mục tiêu 7 % có thể đạt được. Tuy nhiên chúng ta không nên mất cảnh giác vì lạm phát có thể quay lại, theo tôi là trung hạn, năm 2010, vì độ trễ của chính sách nới lỏng tài chính tiền tệ của năm 2009, có thể rơi vào năm sau. Nhưng với tinh thần điều hành tài chính tiền tệ không nới lỏng như năm 2009, những giải pháp sẽ linh hoạt hơn, phù hợp với tình hình mới của kinh tế trong và ngoài nước. Và chúng ta cũng lường trước độ trễ của việc điều hành tài chính tiền tệ sang năm để xử lý. Theo dự báo của chúng tôi, sang năm 2010, nếu chúng ta thực hiện tốt kịch bản các bộ, ngành đưa ra thì lạm phát không tới 10%.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên