Lạm phát và chi tiêu công

Gắn chống lạm phát với điều tiết và phân bổ lại các nguồn lực vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ít nhất từ 6,7-7%.

Nghị quyết XI của Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian tới, việc điều hành chính sách tiền tệ; rà soát cắt giảm đầu tư công sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm hạ nhiệt lạm phát. Phóng viên VOV phỏng vấn TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về những vấn đề này.

** Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, chúng ta cần làm gì để giải quyết được hài hòa các vấn đề: Tăng trưởng và lạm phát?

Lâu nay, khu vực đầu tư công hút một lượng vốn rất lớn, kể cả từ ngân sách, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc, trái phiếu ngân hàng phát triển… Đây là khoản tài chính khổng lồ, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, khoản tài chính này được sử dụng chưa thật hiệu quả.

Năm nay, Chính phủ ráo riết tiết kiệm chi tiêu công, kể cả chi tiêu ngân sách thường xuyên cũng như đầu tư của Chính phủ; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hơn hiệu quả đầu tư nói chung, đặc biệt là của khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Lúc đó, vốn dành cho khu vực tư nhân sẽ nhiều hơn, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đầu tư hiệu quả hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng chống lạm phát, nếu gắn liền với việc điều tiết và phân bổ lại các nguồn lực của quốc gia thì vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ít nhất từ 6,7-7%.

Cần khoa học hơn trong điều hành chính sách tiền tệ

** Theo ông, nhiệm vụ trọng tâm nhất phải thực hiện để kiềm chế lạm phát là gì?

Thứ nhất, chi tiêu công của chúng ta lớn. Khi chúng ta muốn tăng 1% hoặc 2% GDP thì phải tốn kém rất nhiều tiền. So sánh với các nước, chúng ta thấy Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng trên 10% nhưng tốc độ tăng tín dụng chỉ khoảng 17-18%; Malaysia có tốc độ tăng trưởng kinh tế 5-6% nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ 7-8%; đối với Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng phải tới 30%, thậm chí có những năm trên 50% mới đạt được tốc độ tăng trưởng trên 7%.

Điều này cho thấy, hiệu quả đầu tư không được phân bổ đúng vào khu vực hiệu quả nhất của nền kinh tế, khu vực tư nhân và doanh nghiệp vừa, nhỏ. Điều này cho thấy, chúng ta phải coi việc kiên trì kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công và đầu tư khu vực doanh nghiệp Nhà nước là một vấn đề trọng tâm của chống lạm phát.

Thứ hai, chính sách tiền tệ trong 3 năm gần đây được điều hành theo hướng hành chính hơn là kinh tế thị trường, khiến cho tất cả các chỉ số quan trọng nhất của chính sách tiền tệ như lãi suất, tỷ giá hối đoái, kỳ hạn bị méo mó... Chúng tôi hy vọng, điều hành chính sách tiền tệ ngoài chuyện phải kiên trì, còn phải khoa học hơn, bài bản hơn và đúng tầm cỡ của một ngân hàng Trung ương.

** Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên