Làm thế nào để có thể tiêu thụ nông sản tốt nhất?
VOV.VN - Sản xuất, xuất khẩu nông sản những năm gần đây liên tục tạo nên những kỷ lục mới, nhưng những kết quả này lại chưa đồng nghĩa với việc phát triển thị trường bền vững...
Nước ta có thế mạnh là mặt hàng nông sản phong phú, nhiều đặc sản vùng miền.., song để tiêu thụ mặt hàng này được ổn định, bền vững thì yêu cầu đặt ra cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp là phải được trang bị đầy đủ kỹ năng tiêu thụ hàng hoá trên môi trường số, môi trường thương mại điện tử…
Sản xuất, xuất khẩu nông sản những năm gần đây liên tục tạo nên những kỷ lục mới. Theo đó, thời gian qua, việc mật ong Việt Nam xuất khẩu liên tục sang EU, Mỹ; xoài Sơn La xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Anh, Úc; quả vải Lục Ngạn, Bắc Giang được đánh giá rất cao ở Nhật Bản, Pháp… cho thấy những chính sách xây dựng, phát triển thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ và đặc biệt là việc cung cấp thông tin thị trường cho bà con nông dân đang phát huy tác dụng.
Song những kết quả này lại chưa đồng nghĩa với việc phát triển thị trường bền vững, bởi thực tế khó khăn khi tiếp cận nông sản, đặc sản các vùng miền do công nghệ chế biến còn hạn chế, gây khó cho tiêu thụ, do thời gian bảo quản ngắn.
Cùng với đó, việc tiếp cận đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử không hề đơn giản, bởi nhận thức của doanh nghiệp với phương thức kinh doanh này còn hạn chế.
Bà Đinh Tuyết Nhung, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã nông dược và cộng đồng Bắc Kạn nêu thực tế: "Hàng nông sản có thời gian bảo quản ngắn và đơn vị cũng chưa có được hình ảnh cũng như chiến lược kinh doanh để có được một phương án cụ thể tiếp cận đối tượng khách hàng nên giao dịch với sản lượng sản phẩm bán trên sàn thương mại từ chưa cao. Chúng tôi rất mong từ phía chính quyền sẽ có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ các đơn vị mà có thể đưa các sản phẩm lên hàng thương mại lớn".
Để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản, cần phải xây đựng được thương hiệu cho sản phẩm, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Song song đó là quan tâm nhiều hơn đến công nghệ chế biến nông sản cũng như có các chính sách thu hút doanh nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản.
Đại diện sàn thương mại điện tử Postmart.vn- ông Nghiêm Tuấn Anh, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, thông qua hệ thống logistics, sàn thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam, đã có nhiều lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Mỹ, vải thiều sang Nhật Bản, châu Âu... Đồng thời cho rằng, trong bối cảnh phát triển của thương mại điện tử, việc trang bị kỹ năng, ứng xử trên môi trường số cho người nông dân là hết sức quan trọng.
"Chúng ta có rất nhiều loại trái cây vô cùng ngon, chất lượng tốt, hoàn toàn có thể xâm nhập chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Hiện người nông dân ở khu vực miền núi, nông thôn, công nghệ thông tin chưa được phát triển bằng các tỉnh, thành trung tâm.
Do đó, việc trang bị kỹ năng cho người nông dân, chúng tôi coi đấy là việc tiên quyết để thành công cho thương mại điện tử. Vì thế, chúng tôi không chỉ dừng lại việc đào tạo người nông dân cách thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, vận hành hàng của họ mà trang bị cho họ tất cả các kỹ năng trên môi trường số", ông Tuấn Anh nói./.