Nhận diện lâm trường quốc doanh và mâu thuẫn đất đai

Lâm trường quốc doanh: Giao đất kiểu "phát canh thu tô"

VOV.VN -Với cung cách làm ăn trái với tinh thần của NQ 28/ TW, nhiều lâm trường quốc doanh đang trở thành một dạng địa chủ “kiểu mới"

Trải qua 4 lần đổi mới, lâm trường quốc doanh mà nay gọi là công ty lâm nghiệp  vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”. Hơn thế nữa , các LTQD không những chưa khắc phục được những yếu kém để thích ứng với nền kinh tế thị trường mà nhiều lâm trường còn bộc lộ những tiêu cực nghiêm trọng. Diện tích đất rừng được nhà nước giao quản lý để phát triển sản xuất kinh doanh thì rất nhiều công ty lại dùng để “phát canh thu tô”.

Khoán trồng rừng vi phạm nghị định 135?     

Xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng – Lạng Sơn có diện tích tự nhiên khoảng hơn 4.300 ha. Trong đó, 3.500 ha được giao cho công ty Lâm nghiệp Đông Bắc quản lý và sử dụng theo quyết định của UBND tỉnh Lạng Sơn vào ngày 06/01/1996. Vì đa số diện tích đất của xã được giao cho 2 đội sản xuất (gồm có 6 người) của công ty lâm nghiệp Đông Bắc nên hầu hết người dân trong xã đều thiếu đất để sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao trong nhiều năm qua.

Ông Lăng Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, người dân ở trong xã hiện nay phải nhận khoán trồng của công ty lâm nghiệp Đông Bắc để kiếm sống. Phương thức giao khoán theo kiểu công ty đầu tư giống, phân bón, người dân bỏ công trồng, chăm sóc và bảo vệ. Đến cuối kỳ, công ty thu 32 m3/ha.  Theo ông Chiến, mức khoán này Công ty này đưa ra quá cao, xã đã đề nghị chỉ nên thu khoảng 20 m3 / ha nhưng không được công ty Đông Bắc chấp nhận. "Thông thường với sản lượng chỉ được từ 60 đến 70 m3/ ha/ 1 chu kỳ. Như vậy là thu mất 50% rồi, người dân thu lợi nhuận không đáng bao nhiêu", ông Chiến bày tỏ.

 
 Giống cây keo mà Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đông Bắc đầu tư cho các hộ
nhận khoán trồng rừng

 
Ông Đoàn Quốc Anh, người dân ở thôn Cốt Cối cho rằng, vì mức khoán sản lượng quá cao nên nhiều người dân trong xã đã không nhận khoán từ lâm trường mà lấn chiếm đất của lâm trường để tự sản xuất. Tuy nhiên, dù nhận khoán hay tự lấn chiếm để trồng rừng thì những hộ như gia đình ông đều phải nộp sản cho người của công ty nếu như muốn có quyết định hợp pháp khai thác diện tích rừng đã trồng. "Cơ chế nhận khoán dân thấy không hợp lý, nên không chấp nhận. Đất rất cằn nên năng suất đặt ra không hợp lý. Hợp đồng dân 30%, lâm trường 70% là dân thắc mắc". ông Quốc Anh bức xúc.

Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đông Bắc được giao quản lý hơn 21.000 ha thuộc 3 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và Thái Nguyên. Sau khi rà soát, sắp xếp quy hoạch lại theo Nghị định 200 của Chính phủ, công ty này hiện còn quản lý khoảng hơn 9.000 ha. Ông Nguyễn Tân Việt, giám đốc công ty cho biết, trong hơn 9.000 ha đó, đã có hơn 4.300 ha bị người dân lấn chiếm, chỉ còn lại hơn 4.700 ha có thực tế quản lý và đang khoán cho người dân trồng. Ông Nguyễn Tân Việt phủ định chuyện phát canh thu tô vì đối với mỗi ha khoán cho người dân, công ty cũng đầu tư nhiều chi phí chứ không phải chỉ phát đất, ngồi đợi đến cuối chu kỳ rồi thu sản.

"Tôi cho rằng ý kiến phát canh thu tô là chưa có cơ sở. Có nghĩa là phát canh thu tô là nhà nước giao đất cho anh, anh không làm gì nhưng đên cuối chu kỳ anh vẫn thu lợi từ người dân. Nhưng ở đây chúng tôi có hợp đồng kinh tế, có thỏa thuận đôi bên, có kiểm tra, có hướng dẫn khoa học kỹ thuật. Thậm chí còn nghiệm thu 2 lần. Các chi phí bỏ ra không  phải là nhỏ.", ông Việt lý giải.

Nói là công ty đầu tư nhiều cho mỗi héc ta đất khoán cho người dân trồng rừng. Nhưng theo nhiều người dân địa phương đã và đang nhận khoán trồng rừng của công ty lâm nghiệp Đông Bắc thì thực chất công ty này chỉ đầu tư cây giống và phân bón chưa đến 4 triệu/ha nhưng khi thu về là 32 -34 m3 gỗ với giá khoảng 600 nghìn/m3 (tức là gần 20 triệu đồng).

Phát canh thu tô: Công ty lâm nghiệp hay địa chủ “kiểu mới”

Thêm một thực tế nữa tại lâm trường Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Sau sắp xếp rà soát lại lâm trường Yên Bình được đổi tên thành Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Yên Bình và được giao quản lý gần 1.400 ha. Nhưng hiện nay công ty này chỉ quản lý khoảng 600 ha vì người dân địa phương đã lấn chiếm mất 800 ha.

Tuy nhiên, với 600 ha đất rừng sản xuất này, công ty lâm  nghiệp Yên Bình cũng không đủ khả năng để tự sản xuất kinh doanh mà số diện tích này đang được công ty cho thuê -khoán theo 2 hình thức: hình thức thứ nhất, là khoán cho người dân trồng rừng, công ty chỉ đầu tư giống, phân bón kỹ thuật… đến kỳ khai thác thì sản phẩm thu được chia theo tỷ lệ 50/ 50; hình thức thứ 2, ông Phạm Đăng Hân, giám đốc công ty không ngần ngại khi gọi đó là cho thuê đất. "Chúng tôi thỏa thuận với anh, nói trắng ra chứ không phải úp mở gì nữa. Công ty lấy 20 đến 25  m3 gỗ/ha sau  hết chu kỳ đấy. Các anh đầu tư hết, chúng tôi chỉ cho thuê đất, bán giống, phân bón, tư vấn kỹ thuật đến khi thu hoạch lấy 20-25% sản phẩm. Dân đồng tình và hình thức lấn hiếm không còn. Phương thức này không phải phát canh thu tô, nếu không làm cách đó không có cách nào khác. 

 
Ông Phạm Đăng Hân, giám đốc công ty lâm nghiệp Yên Bình

 
Mặc dù vị giám đốc lâm trường này khẳng định, công ty lâm nghiệp Yên Bình không “phát canh thu tô” nhưng rõ ràng, tài nguyên đất rừng được nhà nước giao cho công ty phát triển sản xuất kinh doanh với ưu đãi miễn thuế sử dụng đất lại được công ty này cho người dân thuê lại và không đầu tư bất cứ thứ gì. Thế nhưng đến kỳ khai thác, công ty này lại đứng ra thu từ 20 đến 25% sản phẩm. Hoạt động đó nếu không phải “phát canh thu tô” thì cũng thật khó định nghĩa là gì khác.

Muôn vẻ phát canh….thu tô ngầm.      

Khoán trồng rừng không thực hiện quy định về 4 quản (theo quy định tại Nghị định 135 của Chính Phủ) hoặc cho thuê đất công khai để thu tô đang là thực trạng chung của đa số các công ty lâm nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, điều này chưa nghiêm trọng bằng việc phát canh thu tô ngầm. Ông Đinh Quang Tuấn, Ban đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp cho biết, có một thực tế đang diễn ra phổ biến mà tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên đó là các công ty lâm nghiệp bật đèn xanh hoặc làm ngơ để người dân lấn chiếm đất của lâm trường sản xuất nhưng với điều kiện phải nộp sản cho người đứng đầu công ty.

"Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng, đất này bị dân lấn chiếm, chúng tôi không quản lý được nên không thu được cái gì cả. Nhưng thực tế tôi đi các tỉnh, gặp người dân thì người ta bảo là, thưa  bác làm gì có chuyện ấy, đất của lâm trường làm sao lấn được, chạm vào 1 mét cũng chết với các ông ấy ngay! Các ông ấy cứ để cho chúng em lấn đất canh tác rồi cuối vụ nộp tô riêng cho các ông ấy, không có trên sổ sách gì hết, không có chứng nhận gì cả. Đó là kiểu phát canh thu tô bí mật", ông Tuấn nếu thực tế.

Có thể nói rằng, hầu hết các công ty lâm nghiệp khoán trồng rừng chưa tuân thủ theo quy định thực hiện 4 quản là quản lý đất đai - quản lý kỹ thuật - quản lý kế hoạch và quản lý sản phẩm mà chủ yếu là khoán gọn. Nghĩa là sau khi ký hợp đồng với các hộ dân nhận khoán, công ty lâm nghiệp ngồi chờ cuối kỳ để nhận sản phẩm hoặc quy thành tiền từ người nhận khoán theo định mức đã ký trong hợp đồng; Hoặc là để mặc người dân trồng trên diện tích của lâm trường, đến cuối kỳ lâm trường lấy quyền sử dụng đất hợp pháp của mình ép người dân nộp sản phẩm hoặc tiền theo thỏa thuận. Đây thực sự là hình thức “phát canh thu tô”.
 
Với cung cách làm ăn trái với tinh thần của NQ 28 về “tiếp tục đổi mới sắp xếp nông lâm trường quốc doanh” của Bộ Chính trị, nhiều lâm trường quốc doanh đang trở thành một dạng địa chủ “kiểu mới”./.

Nghị quyết số 28 – NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới sắp xếp nông lâm trường quốc doanh” nhấn mạnh cần khắc phục nhanh tình trạng thiếu đất sản xuất cho người dân địa phương, giải quyết mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân. Tuy nhiên, những tranh chấp này không những chưa được khắc phục mà còn có nguy cơ lan rộng và bùng phát mạnh hơn. Cụ thể vấn đề này như thế nào mời quý vị theo dõi tiếp bài 3: “7.600 ha đất tranh chấp: Phần nổi của tảng băng chìm”

Bài 1: Đổi mới lâm trường quốc doanh: "Bình mới rượu cũ"?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mâu thuẫn đất đai, anh em “xử” nhau bằng mìn
Mâu thuẫn đất đai, anh em “xử” nhau bằng mìn

Do mâu thuẫn và tranh giành quyền lợi về đất đai, anh em nhà ông Hồ Quang Trường đã nhiều lần hành xử theo kiểu xã hội đen.  

Mâu thuẫn đất đai, anh em “xử” nhau bằng mìn

Mâu thuẫn đất đai, anh em “xử” nhau bằng mìn

Do mâu thuẫn và tranh giành quyền lợi về đất đai, anh em nhà ông Hồ Quang Trường đã nhiều lần hành xử theo kiểu xã hội đen.  

Chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh: Đất rừng phải có chủ!
Chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh: Đất rừng phải có chủ!

(VOV) - Nhiều địa phương và nông, lâm trường vẫn đang lúng túng chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp.

Chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh: Đất rừng phải có chủ!

Chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh: Đất rừng phải có chủ!

(VOV) - Nhiều địa phương và nông, lâm trường vẫn đang lúng túng chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp.

Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?
Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?

VOV.VN -Sau 10 năm đổi mới hiệu quả quản lý đất và rừng vẫn còn rất thấp, tài nguyên đất và rừng tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng.

Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?

Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?

VOV.VN -Sau 10 năm đổi mới hiệu quả quản lý đất và rừng vẫn còn rất thấp, tài nguyên đất và rừng tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng.