Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng âm
VOV.VN - UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó nổi bật là Bắc Ninh có chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Bắc Ninh ước tính âm 6,18% so với năm 2022.
Được xem là "thủ phủ công nghiệp", thường xuyên nằm trong top các địa phương có mức tăng trưởng top đầu cả nước, nhưng đây là lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng âm.
Giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành và thời gian đầu hậu COVID, kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng dương. Cụ thể, tăng trưởng năm 2020 là 1,36%, năm 2021 là 6,9% và năm 2022 là 7,39%.
Ngoài ra, kinh tế Bắc Ninh năm 2023 cũng có nhiều chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra như: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 78,9% kế hoạch; Thu ngân sách nhà nước đạt 88,4% dự toán; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị cao hơn kế hoạch 0,6%.
Bên cạnh đó, báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh cũng nêu một số tồn tại, hạn chế về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; Ô nhiễm môi trường còn phức tạp, đặc biệt là ô nhiễm làng nghề; Thiết chế văn hóa tại các xã giáp khu công nghiệp còn thiếu; Việc tiếp cận một số chính sách của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là liên quan đến thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, nguyên nhân khách quan là do tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo.
Kinh tế Bắc Ninh có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài; thị trường bất động sản, sản xuất công nghiệp điện tử gặp nhiều khó khăn.
Về nguyên nhân chủ quan, theo UBND tỉnh Bắc Ninh, công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát.
Công tác phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, chất lượng thấp. Một số cơ quan, đơn vị, cán bộ có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, giải quyết kéo dài thời gian.
Thiếu chủ động trong tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và các biện pháp, giải pháp có tính đột phá để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Việc phân cấp, phân quyền ở một số lĩnh vực chưa triệt để, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới.
Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, ước cả năm 2023, có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, cụ thể gồm: Thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng (vượt 0,7% so kế hoạch); 2. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 65,7 nghìn tỉ đồng (vượt 9,5% so kế hoạch); 3. Thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp đạt 1.400 triệu USD (vượt 16,7% so kế hoạch); 4. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 91.667 tỉ đồng (vượt 6,8% so kế hoạch);
Tỷ lệ đô thị hóa 60,3% (vượt 15,3% so kế hoạch); 6. Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2023 còn 0,84% (vượt 0,06% kế hoạch); 7. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 96% (vượt 1% so kế hoạch). Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn được thu gom, tự xử lý, vận chuyển, xử lý tập trung đạt trên 90% (đạt kế hoạch).