Làng Ba Na đầu tiên ở Gia Lai làm nông nghiệp công nghệ cao

VOV.VN - Tận dụng nguồn lực sẵn có và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến dự án trồng cà gai leo đang có những tiềm năng lớn để phát triển kinh tế.

Sản xuất lạc hậu chính là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế lâu nay ở nhiều buôn làng dân tộc thiểu số của Tây Nguyên. Cố gắng làm thay đổi điều này, một cô gái Ba Na ở ngôi làng vùng sâu tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn triển khai dự án trồng dược liệu công nghệ cao. Tận dụng nguồn lực sẵn có, thay đổi tư duy, cách làm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến dự án đang có những tiềm năng lớn để phát triển kinh tế cho bà con.

Đứng giữa vườn ươm với hàng chục nghìn cây cà gai leo lên mầm non mơn mởn, trên tay chiếc điện thoại thông minh, cô gái Ba Na Hồ Thị Viên lướt qua nhiều trang mạng tìm kiếm thông tin hữu ích cho công việc của mình. Ở một ngôi làng vùng sâu, cả cô gái Ba Na và dự án trà dược liệu công nghệ cao đang khiến nhiều người bất ngờ và thú vị.

Hồ Thị Viên cho biết, sản xuất các loại cây truyền thống như mía, sắn gần đây gặp nhiều khó khăn, hiệu quả rất thấp nên bà con phải tìm hướng đi mới. Nhờ công nghệ thông tin, nhờ mạng xã hội, cô phát hiện ra cây cà gai leo mà bà con trong làng vẫn sử dụng lâu nay đang được thị trường ưa dùng và có tiềm năng phát triển thành vùng nguyên liệu.

Dự án trà dược liệu Pơ Nang có tiềm năng rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Kết nối nhiều nơi, Viên tìm được doanh nghiệp uy tín để hợp tác. Sau đó, Viên bàn bạc với dân làng, trao đổi với chính quyền, cô nhận được sự đồng tình, ủng hộ triển khai dự án với kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế của làng.

“Là một người con của đồng bào Ba Na ở địa phương, tôi mong thấy được sự thay đổi cuả bà con từ canh tác, phát triển kinh tế, đặc biệt là việc thu hái dược liệu. Đặc biệt, cây này là cây có sẵn ở địa phương nên phải biết thu hái và tìm đầu ra, sản xuất, chế biến và mình cũng là người tiêu dùng. Đó là mong muốn của tôi vừa tạo công ăn việc làm cho bà con ở đây, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên”, chị Viên cho biết.

Lên ý tưởng từ cuối năm 2017, đến cuối năm 2018, dự án trà dược liệu của làng Pơ Nang được triển khai. Đến nay, đã có 10 hộ gia đình trong làng tham gia và đã trồng thí điểm được 2 đợt với quy mô gần 2ha.

Điểm đặc biệt là cây cà gai leo ở đây được trồng theo hướng hoàn toàn hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao với công nghệ tưới tiết kiệm trên toàn diện tích. Nhằm đảm bảo ổn định từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm, bà con hợp tác chặt chẽ với hợp tác xã trên địa bàn.

Ông Lê Văn Bộ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho biết, dự án trà dược liệu của bà con làng Pơ Nang là rất có tiềm năng nên hợp tác xã không ngần ngại liên kết để nâng tầm sản xuất và tiêu thụ.

“Khi HTX tiếp cận được với bạn Viên ở làng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tú An, các bạn có ý tưởng đưa cây cà gai leo vào sản xuất. Từ chỗ các bạn có ý tưởng và tâm huyết, HTX cũng phối hợp tính toán để vì sự phát triển của địa phương. Thời gian tới, HTX sẽ phát triển dự án lên một bước nữa, đó là làm trà túi lọc có lợi cho sức khỏe”, ông Bộ cho biết.

Từ ý tưởng sáng tạo của cô gái Ba Na, chính quyền xã Tú An cũng như thị xã An Khê đã chung tay, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho dự án phát triển. Với sự hỗ trợ quý giá ấy, Dự án đã lọt vào top 20 trong số 128 dự án nông nghiệp trong cả nước để Ủy ban Dân tộc của Chính Phủ đề xuất Ngân hàng Thế giới tài trợ thực hiện trong khuôn khổ định hướng phát triển kinh tế nhanh, bền vững ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân thiểu số.

Ông Nguyễn Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay Ngân hàng Thế giới vẫn đang bình xét, khi lọt vào top 5, dự án sẽ được tài trợ. Nhưng dù có được tài trợ hay không thì dự án sẽ vẫn được quan tâm triển khai. Với tiềm năng phát triển kinh tế, đây cũng sẽ là mô hình điểm để có thể nhân rộng ở các làng dân tộc thiểu số khác.

“Từ thành công bước đầu của dự án thí điểm trồng cà gai leo, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng tại 3 làng đồng bào. Hiện tại đang thí điểm ở làng Pơ Nang, sau đó sẽ tiếp  tục nhân rộng ra làng Nhoi và làng Hòa Bình để nâng cao hiệu quả sản xuất của cây dược liệu này”, ông Cảnh cho biết.

Dự án trà được liệu công nghệ cao mà cô gái Ba Na - Hồ Thị Viên cùng bà con ở ngôi làng vùng sâu Pơ Nang đang thực hiện được kỳ vọng rất lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Điều này cũng cho thấy, nếu có sự thay đổi, có sự quyết tâm dựa trên các nguồn lực sẵn có thì những buôn làng vùng sâu có thể tìm ra hướng đi, có động lực để phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bình Phước kêu gọi đầu tư vào năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao
Bình Phước kêu gọi đầu tư vào năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao

VOV.VN - Hiện tỉnh có quỹ đất sạch để phát triển công nghiệp ở 13 khu công nghiệp của Bình Phước được Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích hơn 28.000 ha.

Bình Phước kêu gọi đầu tư vào năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao

Bình Phước kêu gọi đầu tư vào năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao

VOV.VN - Hiện tỉnh có quỹ đất sạch để phát triển công nghiệp ở 13 khu công nghiệp của Bình Phước được Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích hơn 28.000 ha.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả rõ rệt
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả rõ rệt

VOV.VN - Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được các siêu thị lớn bao tiêu, mang lại thu nhập ổn định cho nhà đầu tư.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả rõ rệt

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả rõ rệt

VOV.VN - Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được các siêu thị lớn bao tiêu, mang lại thu nhập ổn định cho nhà đầu tư.

Nông dân vẫn thiếu kiến thức làm nông nghiệp công nghệ cao
Nông dân vẫn thiếu kiến thức làm nông nghiệp công nghệ cao

VOV.VN - Đối với mỗi vùng, miền có lợi thế về phát triển nông nghiệp phải có chiến lược riêng về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Nông dân vẫn thiếu kiến thức làm nông nghiệp công nghệ cao

Nông dân vẫn thiếu kiến thức làm nông nghiệp công nghệ cao

VOV.VN - Đối với mỗi vùng, miền có lợi thế về phát triển nông nghiệp phải có chiến lược riêng về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.