KINH TẾ Thứ Sáu, 12:10, 08/01/2021 Làng mai An Nhơn chật vật bán mai Tết VOV.VN - Năm nay thời tiết thất thường, mặt khác do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên ít người mua bán. Thời điểm này mọi năm, người dân làng mai Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định tất bật vặt lá, vào chậu và xuất bán đi khắp cả nước. Thế nhưng năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thêm yếu tố thời tiết khó dự đoán, người trồng mai cảnh Nhơn An rất lo lắng. Trong ảnh, chủ vườn mai đang gọi điện bằng hình ảnh trực tiếp qua ứng dụng Zalo cho khách hàng. Thời điểm này là lúc người trồng mai vặt lá để có hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Thế nhưng những ngày này không khí ở làng mai cảnh Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định khác xa mọi năm. Rất ít chủ vườn còn thuê người vặt lá mai để bán ra Hà Nội. Trước đây, luôn tấp nập xe ô tô từ khắp cả nước đến chọn mai, mua bán mang đi. Nhưng năm nay, đã cuối tháng 11 âm lịch vẫn chưa thấy người trồng vặt lá mai. Đây là số ít nhà vườn bán được mai sớm nhờ kết nối qua mạng xã hội. Trên đường tránh Quốc lộ 1A qua thị xã An Nhơn, chỉ có 1 nhà vườn đang bán mai cho xe ô tô khách Bắc Nam. Rất ít hộ vặt lá vì đợi thời tiết và thị trường để mai ra hoa đúng dịp Tết. Năm nay dự báo lạnh nhiều nên bà con chưa ai vặt lá mai. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các nhà vườn ở TP HCM không nhập mai. Vì vậy, mai cảnh chủ yếu bán ra các tỉnh phía Bắc. Năm nay thời tiết thất thường, mặt khác do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên ít người mua bán. Trong khó khăn, nhiều nhà vườn tận dụng mạng xã hội để bán mai. Nhà vườn chụp ảnh, quay clip, gọi điện thoại video trực tuyến gửi cho thương lái xem và chọn lựa mai. Khi 2 bên thống nhất cây, giá cả, nhà vườn sẽ vặt lá rồi đưa lên xe chở đi. Nhà vườn cẩn thật vặt từng lá mai để hoa kịp nở đúng dịp Tết. Người dân chuẩn bị mai bán Tết nhưng vẫn chưa vặt lá. Nghề vặt lá mai cũng mang lại thu nhập đáng kể. Năm nay không bị lụt nên cây mai cho bông nhiều và to hơn mọi năm. Làng mai cảnh Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định từ lâu nổi tiếng với nghề trồng mai Tết. Địa phương này được công nhận là làng nghề với hơn 1.000 hộ trồng mai, chiếm 65% số hộ dân trong xã. Mỗi năm, vụ mai Tết mang về cho người trồng mai khoảng 20 đến 25 tỷ đồng./. Thành Long/VOV-Miền Trung